Quốc tế 21/01/2015 19:46

Giá dầu lao dốc, IMF hạ dự báo tăng trưởng hàng loạt quốc gia

FICA - IMF đã hạ dự báo GDP toàn cầu trong 2 năm 2015-2016 lần lượt xuống 3,5% và 3,7%, giảm 0,3% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2014. Nhóm ASEAN-5 gồm các quốc gia Đông Nam Á: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam cũng bị hạ triển vọng tăng trưởng xuống còn 5,2%. Riêng kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi mạnh và là động lực tăng trưởng toàn cầu.

Ngày 19/1/2015, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Tại báo cáo này, IMF đã hạ dự báo GDP toàn cầu trong 2 năm 2015-2016 lần lượt xuống 3,5% và 3,7%, giảm 0,3% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2014, phản ánh kết quả đánh giá lại triển vọng kinh tế Trung Quốc, CHLB Nga, khu vực Euro, Nhật Bản cũng như hoạt động kinh tế yếu ớt tại các nước xuất khẩu dầu mỏ do giá dầu thô lao dốc. Riêng kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi mạnh và là động lực tăng trưởng toàn cầu.

Nhóm ASEAN-5 gồm các quốc gia Đông Nam Á: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam cũng bị hạ triển vọng tăng trưởng xuống còn 5,2%; giảm 0,2 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó. Đến năm 2016, IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế của nhóm sẽ phục hồi hơn so với năm 2015 và đạt mức 5,3%; tuy nhiên vẫn giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10.

Tại báo cáo này, IMF nhận định, kinh tế toàn cầu sẽ hưởng lợi nhờ giá dầu ở mức thấp, góp phần giảm nhẹ những tác động tiêu cực như đầu tư thấp, triển vọng kinh tế trung hạn tại nhiều nước phát triển và mới nổi tiếp tục yếu ớt.

So với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2014, báo cáo này đưa ra đánh giá lạc quan hơn nhờ tác động của 4 yếu tố cơ bản:

Thứ nhất, giá dầu tính theo USD giảm khoảng 55% kể từ tháng 9/2014, một phần là do nhu cầu yếu ớt tại các nước mới nổi và một số nền kinh tế chủ chốt, đẩy giá cả kim loại đầu vào giảm. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản đẩy giá dầu lao dốc bắt nguồn từ phía cung, trong đó có quyết định của Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục duy trì sản lượng dầu hiện hành, mặc dù lượng dầu khai thác tại Mỹ và một số nước khác liên tục tăng.

Thứ hai, trong khi kinh tế toàn cầu tăng mạnh và kỳ vọng đạt 3,7% trong quí III/2014, sau khi tăng khoảng 3,2% trong quí trước đó, nhưng tốc độ tăng trưởng không đồng đều giữa các nền kinh tế lớn. Trong khi kinh tế Mỹ tăng cao hơn kỳ vọng, các nền kinh tế chủ chốt khác đều giảm nhẹ do tác động của các biện pháp tái cơ cấu và triển vọng kinh tế trung hạn còn yếu ớt.

Thứ ba, sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng giữa các nền kinh tế chủ chốt đã đẩy giá USD tăng khoảng 6% so với đánh giá đưa ra tại báo cáo cập nhật tháng 10/2014. Trái lại, đồng tiền chung Euro và Yen Nhật lần lượt mất giá tới 2% và 8%, các đồng bản địa của các nước mới nổi cũng mất giá, nhất là tại các nước xuất khẩu hàng hóa.

Thứ tư, các mức lãi suất và rủi ro tăng cao tại hầu hết các nước mới nổi, nhất là các nước xuất khẩu hàng hóa, giá cả trái phiếu giảm mạnh cùng với giá năng lượng. Tại các nước phát triển hàng đầu, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài tiếp tục giảm, phản ánh nhu cầu đầu tư vào tài sản này tăng cao nhằm bảo toàn tài sản và hoạt động kinh tế yếu ớt, trong khi giá cổ phiếu tính theo đồng bản tệ nhìn chung không thay đổi kể từ tháng 10/2014.

So với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2014, báo cáo mới cập nhật của IMF dự báo xu hướng phát triển trái ngược.

Về xu hướng tích cực, giá dầu được kỳ vọng sẽ giảm dần, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 2 năm tới thông qua tác động tăng sức mua và nhu cầu tiêu dùng tại các nước nhập khẩu dầu, đặc biệt tại các nước phát triển.

Về xu hướng tiêu cực, tác động của giá dầu giảm dần không bù đắp được nỗ lực điều chỉnh tại các nền kinh tế chủ chốt (ngoại trừ kinh tế Mỹ), làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bích Diệp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *