Quốc tế 10/04/2015 18:16

Giá dầu giảm, tăng trưởng kinh tế các nước mới nổi tụt dốc

FICA - Giá dầu thô xuất khẩu giảm, trong khi bối cảnh thương mại hàng hóa thế giới thu hẹp, cùng sự lên giá của đồng USD khiến các nước mới nổi thâm hụt cán cán cân thương mại. Đây là những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi quý đầu của năm 2015 đang giảm.

Mới đây, bà Christine Lagarde - Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo: các nền kinh tế mới nổi có nhịp độ tăng trưởng giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.

 

 

Quan điểm này trùng với các thống kê mà nhiều nhà nghiên cứu, phân tích kinh tế thế giới có được. Nhà kinh tế trưởng Chris Williamson thuộc hãng nghiên cứu kinh tế Markit Economics, cho biết tăng trưởng GDP của các nền kinh tế đang nổi trong quý đầu năm nay sẽ rơi xuống dưới 5%.

 

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Felix Huefner - Viện Tài chính quốc tế (IIF) cho biết, các nền kinh tế đang nổi sẽ chỉ đạt nhịp độ tăng trưởng 3,4% trong quý đầu năm nay, so với mức tăng 3,8% của quý cuối năm 2014 và 4,6% của quý đầu năm 2014.

 

Như vậy, mức tăng trưởng này đạt thấp so với các kỳ vọng trước đó mà IMF và WB đưa ra hồi cuối năm 2014. Những con số khiến người ta lo ngại về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu này được công bố trong bối cảnh giá dầu trên thế giới tiếp tục giảm, nguy cơ giảm phát ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và thị trường việc làm Mỹ ảm đạm.

 

Bà Lagarde cảnh báo thế giới sắp phải đối mặt với một kịch bản tăng trưởng thấp đi kèm với nợ công cao và thất nghiệp, nếu như các nhà hoạch định chính sách không sớm có kế hoạch để đảo ngược thực trạng này.

 

Nguyên nhân khiến mức tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi giảm chính là sự sụt giảm giá của thị trường hàng hóa và dầu mỏ đã tác động tới nguồn thu xuất khẩu của một số nền kinh tế đang nổi như Brazil và Nga, trong khi đồng USD mạnh đã làm tăng tình trạng vốn chảy ra nước ngoài ở nhiều nền kinh tế đang nổi hàng đầu, bao gồm cả Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc.

 

Các nhà phân tích cho rằng tình trạng giảm tốc của các nền kinh tế đang nổi năm nay có đặc điểm khác so với ở thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính sáu năm trước.

 

Ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng về các thị trường đang nổi thuộc công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics, đánh giá cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 là một cú sốc bên ngoài mà các nền kinh tế đang nổi có thể phục hồi khá nhanh chóng. Còn hiện nay, tình trạng giảm tốc xảy ra bởi những nhân tố bên trong. Ông cũng cho rằng sự giảm tốc này có khả năng kéo dài tới một thập kỷ. 

 

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *