Quốc tế 25/03/2019 14:41

Ethiopia lo bị “chôn vùi” trong áp lực nợ nần từ dự án Vành đai, con đường của Trung Quốc

Ethiopia đang đàm phán lại các khoản nợ hàng tỷ USD vay của Trung Quốc cho dự án đường sắt kết nối quốc gia châu Phi với nước láng giềng Djibouti, nhằm tránh bị “chôn vùi” trong áp lực nợ nần nghiêm trọng liên quan tới sáng kiến “Vành đai, con đường" của Bắc Kinh.

Ethiopia lo bị “chôn vùi” trong áp lực nợ nần từ dự án Vành đai, con đường của Trung Quốc - 1

Đại sứ Ethiopia tại Trung Quốc Teshome Toga Chanaka (Ảnh: SCMP)

SCMP dẫn lời Đại sứ Ethiopia tại Trung Quốc Teshome Toga Chanaka cho biết chính phủ Addis Ababa và Bắc Kinh đang đàm phán để tái cấu trúc các khoản nợ liên quan tới dự án đường sắt kết nối với Djibouti. Đây là công trình khai trương vào ngày 1/1/2018 và các khoản nợ liên quan tới tuyến đường đang đặt “gánh nặng nghiêm trọng” lên khả năng trả nợ của Ethiopia.

“Chúng tôi đang thương lượng với Trung Quốc cách quản lý khoản nợ để nó trở nên bền vững và cố gắng giảm thiểu áp lực từ số tiền nợ và để hướng tới một quá trình bền vững”, ông Chanaka nói, nhấn mạnh 2 bên đang tiến gần tới một thỏa thuận cuối cùng.

Công trình đường sắt nối Addis Ababa - Djibouti là một phần quan trọng của sáng kiến “Vành đai, con đường” ở châu Phi khi nó kết nối quốc gia không có biển, Ethiopia, với cảng biển đa chức năng Doraleh nằm ở phía tây thủ đô của Djibouti. Đây được coi là cửa ngõ của châu Phi với kênh đào Suez và Biển Đỏ.

Mặc dù áp lực nợ nần ngày càng gia tăng với nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Phi, nhưng ông Chanaka vẫn bảo vệ “Vành đai, con đường” trước những nhận định của giới quan sát rằng đây là hình thức “bẫy nợ” của Trung Quốc với các quốc gia đang phát triển.

Ông Chanaka nói rằng dự án đường sắt sẽ giúp năng suất của Ethiopia tăng và mở rộng xuất khẩu nên dự án sẽ được tối ưu hóa trọn vẹn.

Bắc Kinh hiện đang theo đuổi kế hoạch xây dựng đường cao tốc, đường tàu hỏa, cảng biển và hệ thống ống dẫn tại hơn 60 quốc gia trên toàn cầu, dưới danh nghĩa sáng kiến “Vành đai, con đường” với tham vọng kết nối giao thông và cơ sở hạ tầng từ Đông sang Tây.

Châu Phi là một trong những khu vực Trung Quốc đầu tư mạnh nhất. Ethiopia đã nhận được 12,1 tỷ USD từ các ngân hàng Bắc Kinh từ năm 2000, theo báo cáo của đại học John Hopkins, Mỹ.

Khi Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed công du Trung Quốc tháng 9 năm ngoái, ông nói rằng chính phủ Bắc Kinh đã đồng ý tái cấu trúc một phần của khoản nợ, và kéo dài thời gian trả nợ một số khoản liên quan tới dự án đường sắt lên 20 năm.

Tuyến đường dài 756 km được Trung Quốc tài trợ hoàn toàn. Hai công ty quốc doanh của Bắc Kinh là 2 đơn vị thi công công trình. Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc là “chủ nợ” lớn nhất của Ethiopia khi họ đổ vào công trình trên 2,9 tỷ USD, chiếm 70% tổng chi phí xây dựng.

Trước đó, giới quan sát quan ngại rằng các dự án trong “Vành đai, con đường” của Trung Quốc thực chất tạo ra “bẫy nợ” cho những quốc gia có nền tài chính dễ bị tổn thương. Họ phải đối mặt với cái gọi là thâm hụt cơ sở hạ tầng, ám chỉ tình trạng sụt giảm trong chi tiêu chính phủ dành cho hạ tầng trong khi chi phí xây dựng gia tăng.

Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc trên. Tuy nhiên, một số quốc gia đang tham gia “Vành đai, con đường”, bao gồm Malaysia và Maldives, đang tìm cách đàm phán lại các thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, cho rằng các dự án trên sẽ mang lại giá trị không tương xứng với khoản tiền bỏ ra.

Gia tăng tầm ảnh hưởng

Ethiopia lo bị “chôn vùi” trong áp lực nợ nần từ dự án Vành đai, con đường của Trung Quốc - 2

Một phần công trình đường sắt nối Addis Ababa - Djibouti (Ảnh: Xinhua)

Giới quan sát quan ngại rằng Ethiopia nói riêng và châu Phi nói chung đang đánh đổi tầm ảnh hưởng lấy các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Hay nói cách khác, Bắc Kinh với cương vị là đối tác thương mại lớn nhất tại nhiều quốc gia châu Phi, cũng như là “chủ nợ”, sử dụng những yếu tố trên để gia tăng tầm ảnh hưởng tại khu vực trong nhiều lĩnh vực từ an ninh cho tới kỹ thuật.

Năm 2017, Trung Quốc mở căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti. Họ tài trợ cho lực lượng gìn giữ hòa bình từ Ethiopia, trong khi dàn xếp cuộc nội chiến giữa chính phủ South Sudan và phe đối lập.

Các nhà khoa học và ngân hàng Trung Quốc cũng đang hỗ trợ Ethiopia phóng vệ tinh đầu tiên. Hồi tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa với lãnh đạo 53 nước châu Phi rằng Bắc Kinh sẽ đổ 60 tỷ USD hỗ trợ tài chính cho khu vực.

Đối mặt với việc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi, chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối năm ngoái đã giới thiệu chiến dịch “Châu Phi thịnh vượng”, nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Mỹ và lục địa đen.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton là người đã công bố chương trình nói trên. Ông cáo buộc Trung Quốc sử dụng các khoản nợ “để biến các nước châu Phi thành con tin cho mong muốn và yêu cầu của Bắc Kinh”.

Ông Bolton đánh giá châu Phi chính là “chiến trường” tiếp theo để Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *