Dòng chảy vốn 20/04/2014 18:44

GDP đầu người Brazil 11.000 USD, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

FICA - Để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, hàng năm Brazil phải nhập khẩu hàng hóa giá trị trên 240 tỷ USD, mức tăng trưởng nhập khẩu tăng trung bình 7%/ năm. Tỷ lệ hàng hóa, trang thiết bị, đồ dùng gia dụng nhập khẩu chiếm tới 20% trong tổng dung lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường.


Brazil là nước có diện tích rộng thứ 5 trên thế giới, quy mô thị trường lớn.

Thương mại song phương Việt Nam - Brazil quý 1/2014 tăng mạnh. Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đã đạt 749,2 triệu USD, tăng 77,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Brazil đạt 328,5 triệu USD, tăng 58,6% trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 420,5 triệu USD, tăng 96,2 % so với cùng kỳ năm trước.

Một số mặt hàng xuất khẩu chính trong 3 tháng đầu năm 2014 có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ như Điện thoại các loại, linh kiện đạt 112,5 triệu USD, tăng 532,7%. Thủy sản đạt 35,7 triệu USD, tăng 52%. Máy vi tính và sản phẩm điện tử đạt 25,4 triệu USD, tăng 33,6%. Hàng dệt may đạt 15 triệu USD, tăng 59,5%. Túi xách, vali, mũ, ô, dù đạt 3 triệu USD tăng 20%. Cá biệt mặt hàng giày dép các loại đạt 62,1 triệu, giảm 6%.

Một số mặt hàng nhập khẩu chính phục vụ sản xuất trong nước gồm ngô hạt đạt 265,8 triệu USD tăng 105%; nguyên liệu da giày, dệt may đạt 33,3 triệu USD tăng 88%; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 11 triệu USD, tăng 210 %), nguyên liệu thuốc lá đạt 10,7 triệu USD tăng 2,8 %, gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 5 triệu USD tăng 51,5 % v.v...

Hai bên đang đặt mục tiêu đưa tổng kim ngạch hai chiều chạm mốc 3 tỷ USD trong năm 2014.

Brazil là một thị trường lớn với diện tích rộng thứ 5 trên thế giới, giàu tài nguyên, nhiều tiềm năng, dân số hơn 200 triệu người, tổng GDP đứng thứ 7 trên thế giới. Đây cũng là nước có nền công nghiệp phát triển nhất Mỹ La tinh.

Một số ngành công nghiệp chủ đạo tại Brazil gồm sản xuất máy bay, ô tô và phụ tùng, máy móc và thiết bị, sắt, thép, thiếc, mía đường và cồn nhiên liệu sinh học etanol, đồ điện gia dụng, giấy, dược phẩm, dệt may, giầy dép, hoá chất, xi măng, da nguyên phụ liệu da, giày. Trong tổng số sản lượng các nguồn năng lượng quốc gia, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo gồm thủy điện, gió, etanol, sinh khối và nguồn năng lượng khác sẽ tăng từ 44,8% năm 2010 lên 46,3% vào năm 2020. Thị trường chứng khoán và thị trường giao dịch hàng hóa tương lai BM&F phát triển sôi động.

Brazil cũng là một trong số ít nước có sản lượng đứng đầu thế giới về cà phê (sản lượng hơn 55 triệu bao/năm, bằng nửa sản lượng thế giới); mía đường (đứng đầu thế giới), đậu nành, ngô, hạt điều, ca cao, gạo, bông, cao su, thuốc lá, nước hoa quả, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thịt cừu (là một trong bốn nước đứng đầu thế giới về chăn nuôi), nguyên liệu da, giày...

Năm 2014, kinh tế Brazil đang dần dần phục hồi. Niềm tin của giới doanh nghiệp nước này được củng cố; đầu tư cho sản xuất được chú trọng. Chính phủ Brazil đang nỗ lực bình ổn các chỉ số kinh tế vĩ mô. Dự trữ ngoại hối đạt hơn 375 tỷ USD, tỷ lệ lạm phát chỉ dao động ở mức 6%/ năm. Tỷ giá hối đoái và giá trị đồng tiền địa phương ổn định trở lại.

Với thu nhập GDP/đầu người đạt trên 11.000 USD/năm, sức mua của người tiêu dùng được cải thiện không ngừng góp phần thúc đẩy nhu cầu thị trường nội địa ngày một tăng cao. Nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất và hàng hóa tiêu dùng ngày một mở rộng.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, hàng năm Brazil phải nhập khẩu hàng hóa giá trị trên 240 tỷ USD, mức tăng trưởng nhập khẩu tăng trung bình 7%/ năm. Tỷ lệ hàng hóa, trang thiết bị, đồ dùng gia dụng nhập khẩu chiếm tới 20% trong tổng dung lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Mặt khác, chính sách hội nhập kinh tế sâu rộng toàn diện của Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội cho giới doanh nghiệp của cả hai nước. Năng lực nhập khẩu của ta đối với các mặt hàng nguyên phụ liệu và sản phẩm trung gian phục vụ sản xuất trong nước đang tăng dần, phản ánh sức phát triển của nền kinh tế nước ta. Riêng kim ngạch nhập khẩu ngô từ Brazil làm thức ăn gia súc trong quý I/2014 đạt 265 triệu USD, tăng 100 % chứng tỏ đã có những nhân tố tích cực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thương mai song phương.

Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, hiện nay ở nhiều địa phương của Brazil, giới doanh nghiệp còn thiếu thông tin về thị trường và tiềm năng kinh tế của Việt Nam. Trong năm 2014, công tác xúc tiến thương mại của Việt Nam cần được chú trọng, nắm bắt và khai thác tốt hơn cơ hội của thị trường, duy trì tốc độ tăng trưởng và mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ góp phần nâng tổng kim ngạch hai chiều chạm mốc 3 tỷ USD/2014 và trên 12 tỷ USD vào năm 2020.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *