Quốc tế 16/05/2015 07:26

Đồng USD trước ngưỡng cửa "chiến tranh tiền tệ"

Cách đây một năm, "chiến tranh tiền tệ” được ví như "một sự giao tiếp bất lịch sự". Tuy nhiên, hiện nay, các nhà lãnh đạo trên thế giới đang cảm thấy thoải mái hơn khi đề cập công khai kế hoạch tham gia cuộc đua giảm giá tiền tệ.

Nhu cầu nội địa yếu ở nhiều nền kinh tế phát triển và cả ở các thị trường mới nổi khiến các nhà hoạch định chính sách quyết tâm theo đuổi chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm bằng cách hỗ trợ xuất khẩu.

Từ đầu năm đến nay, hơn 20 ngân hàng trung ương trên thế giới đã nới lỏng chính sách tiền tệ, dẫn đầu là Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ).

Tại Nhật Bản, nới lỏng định lượng là "mũi tên" đầu tiên của "Abenomics" - chương trình cải cách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe. Chính sách này làm suy yếu đồng yên và đang dẫn đến thặng dư thương mại tăng cao.

Xuất khẩu Nhật Bản giảm mạnh trong năm 2011 và năm 2012, sau đó tăng ngoạn mục kể từ khi chính sách giảm giá đồng nội tệ của ông Abe được thực hiện.

Trong khu vực châu Âu, đồng euro yếu kích hoạt bởi chính sách nới lỏng định lượng đã thúc đẩy thặng dư tài khoản vãng lai của nước Đức, vốn lên đến 8% GDP trong năm ngoái.

Các áp lực lên đồng USD từ chính sách nới lỏng định lượng của ECB và BOJ đã rõ ràng hơn.

Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, kể từ đầu năm 2015, đồng USD đã tăng 2,83% so với các đồng tiền mạnh khác, còn đồng yên đã tăng 4,77%.

Đồng euro đã giảm 4,88% khi chính sách nới lỏng định lượng (QE) của ECB thậm chí vẫn chưa được bắt đầu. Một số nhà phân tích dự báo đồng euro thậm chí sẽ ngang giá với USD trong năm nay.

Đồng USD đã tăng giá so với các đồng tiền của các nước phát triển như Úc và Canada và kể cả so với đồng tiền của nhiều thị trường mới nổi.

Trung Quốc cũng cho phép đồng nhân dân tệ suy yếu so với đồng USD và làm chậm tốc độ tăng trưởng sản lượng để cho đồng nhân dân tệ yếu đi nhiều hơn.

Theo David Woo, chuyên gia kinh tế tại Bank of America Merrill Lynch, việc euro giảm 12% so với USD trong năm nay "sẽ tạo áp lực lên Trung Quốc trong việc hạ giá nhân dân tệ, từ đó phát tín hiệu Trung Quốc sẽ tham gia vào "cuộc chiến tiền tệ”. Đây sẽ là mối đe dọa lớn nhất của năm 2015".

Đối với Mỹ, đà tăng giá của USD khiến xuất khẩu giảm 3% trong cả năm 2014 và giảm thêm 1% so với cùng kỳ trong 2 tháng đầu năm 2015.

Và xuất khẩu giảm chắc chắn sẽ kéo giảm tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Ngược lại, USD tăng giá lại được xem là "phao cứu sinh" đối với châu Âu và Nhật Bản.

Cả Nhật Bản và Eurozone đều được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong giai đoạn 2015 - 2016.

Theo đó, IMF nâng dự báo GDP Nhật Bản năm 2015 và 2016 lần lượt lên 1% và 1,2% và GDP Eurozone trong cùng kỳ lần lượt lên 1,5% và 1,6%.

USD chưa bao giờ tăng giá mạnh như hiện nay kể từ sau khi Ronald Reagan trở thành Tổng thống Mỹ năm 1981.

Nhưng cho đến gần đây, hoạch định chính sách của Hoa Kỳ không quá quan tâm về sức mạnh của đồng USD, bởi vì triển vọng tăng trưởng của Mỹ mạnh hơn ở châu Âu và Nhật Bản.

Thật vậy, vào đầu năm nay, đã có hy vọng rằng nhu cầu trong nước của Mỹ sẽ đủ mạnh mẽ để hỗ trợ tăng trưởng GDP lên tới gần 3%, bất chấp đồng USD mạnh.

Giá dầu thấp hơn và tạo việc làm, tăng thu nhập và tiêu dùng. Chi tiêu vốn (ngoài ngành năng lượng) và đầu tư tư nhân giúp tăng trưởng gia tăng.

Mỹ trở thành một quốc gia duy nhất có đồng nội tệ tăng giá do các nước khác đang cố gắng giảm giá đồng tiền. Mới đây, Thụy Sĩ cũng tham gia cùng Mỹ.

Tuy nhiên, "tâm trạng bồn chồn về tỷ giá hối đoái của Mỹ đang ngày càng trở nên rõ rệt" như tờ Financial Times phân tích gần đây.

Đồng USD tăng nhanh hơn nhiều so với dự báo. Hơn nữa, nhu cầu nội địa mạnh mẽ của Mỹ đã không trở thành hiện thực, tăng trưởng tiêu thụ là khá yếu trong quý đầu tiên, và chi tiêu vốn và đầu tư tư nhân thậm chí còn yếu hơn.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay, Chính phủ Mỹ cần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Tuy nhiên, sự chủ quan của Mỹ về ảnh hưởng từ các chính sách mới đây của ECB sẽ gây ra những hậu quả ngoài dự kiến.

Nếu đồng euro giảm giá xuống mức ngang bằng với đồng USD thì các nhà sản xuất châu Âu sẽ tận dụng lợi thế của việc kinh tế Mỹ tăng trưởng và hàng hóa Mỹ sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường EU.

Kết quả là Mỹ có thể tham gia vào "cuộc chiến tiền tệ” để ngăn chặn sự tăng giá của đồng USD.

Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã bắt đầu phát biểu một cách rõ ràng về đồng USD "như là một yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu ròng, lạm phát và tăng trưởng".

Sự can thiệp sẽ được hiện thực hóa bằng chính sách, bởi vì tăng trưởng chậm và lạm phát thấp - một phần kích hoạt bởi một đồng USD mạnh - sẽ khiến FED thoát khỏi chính sách lãi suất bằng không sau này và ngăn chặn rủi ro suy thoái.

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama gặp khó khăn trong việc thuyết phục đủ số phiếu trong quốc hội để phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Vì nhiều nghị sĩ của cả hai đảng đều không tán thành quan điểm đưa "thao túng tiền tệ” vào thương thuyết TPP với các nước. Nếu như chính sách thương mại và tiền tệ bị ràng buộc vào thương thuyết TPP, các nước châu Á sẽ từ chối tham gia.

"Tổng cán cân thương mại trên thế giới là bằng không, có nghĩa là không phải tất cả các nước có thể xuất khẩu ròng và cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ kết thúc trong trò chơi bằng không.

Đó là lý do tại sao gia nhập của Mỹ vào "cuộc chiến tiền tệ” chỉ là một vấn đề thời gian", Nouriel Roubini, giáo sư tại Đại học New York Stern và từng có mặt trong Hội đồng Cố vấn kinh tế của chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton, nhận định.

Theo Lam Hồng

DNSG

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *