Quốc tế 12/11/2013 13:14

Đồng Euro liệu có lặp lại lịch sử của đồng Yên Nhật?

FICA - Trong những năm 1990 và những năm 2000, Nhật Bản loay hoay với bài toán kinh tế đồng Yên bị định giá quá cao trong khi nền kinh tế trì trệ, giảm phát.

Liệu rằng đồng Euro có nguy cơ diễn biến tương tự như đồng Yên Nhật? Câu trả lời là có nếu như khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục đi theo con đường của Nhật lúc đó: chậm chạp trong việc giảm nợ ngân hàng và không dám mở rộng tín dụng.
 
Nguy cơ giảm phát

Các ngân hàng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang trong một tình thế tương tự như của Nhật Bản vào những năm 1990. Điểm tương đồng đó là các ngân hàng đều quá yếu để có thể cắt giảm nợ xấu và chịu đựng các thiệt hại. Điều này ngăn cản những ngân hàng này cung ứng nguồn tín dụng mới cho nền kinh tế, thắt chặt tín dụng lại càng làm kinh tế không tăng trưởng. Khu vực tài chính của Nhật Bản đã ở trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan đó trong 13 năm sau khi bong bóng kinh tế năm 1990 vỡ ra. Cho đến năm 2003, Nhật Bản bắt đầu thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ.

Còn châu Âu, đã 6 năm kể từ khi khủng hoảng tín dụng ở đây bắt đầu, tỷ lệ cho vay trên huy động vẫn ở mức cao - 110% - tương tự như ở Nhật Bản trong suốt thập kỷ mất mát đầu tiên.

Hậu quả là kinh tế Nhật Bản suy thoái thường xuyên, giảm phát liên tục trong những năm 1990 và 2000 và thậm chí đến tận bây giờ. Tương tự, Eurozone đã chịu đựng 2 cuộc suy thoái kể từ khi khủng hoảng tín dụng bắt đầu năm 2007, và sự suy giảm thứ 2 kéo dài 6 quý liên tiếp cho đến năm nay. Mặc dù, không bị giảm phát như Nhật nhưng tình trạng đó sẽ không xa khi chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của khu vực này chỉ tăng 0,7% so với cùng kì năm ngoái.

Và nghịch lý thay, khi mà 2 nền kinh tế này yếu kém thì đồng Yên và Euro lại tăng mạnh. Năm 2011, đồng Yên đã đạt 75 JPY/USD - mức cao nhất mọi thời đại. Còn tháng trước, đồng Euro cũng chạm mức đỉnh 2 năm đối với USD là 1,38 USD/EUR.

Có lẽ cả Nhật và Eurozone đều cần phải học hỏi Mỹ trong bài toán này. Năm 2008, Bộ Tài chính Mỹ đã mạnh tay tái cấp vốn cho các ngân hàng; điều này làm giảm các khoản nợ xấu và tỷ lệ cho vay trên huy động hiện chỉ còn 75%. Việc giảm nợ nhanh chóng này đã cho phép khu vực tài chính đạt được tăng trưởng tín dụng mạnh hơn cho nền kinh tế Hoa Kỳ.

Chủ động nới lỏng tiền tệ

Sự định giá quá cao của đồng Euro có thể đẩy Eurozone vào giảm phát tương tự như với Nhật Bản. Tuy nhiên, may mắn thay, ngược lại với BOJ, ECB luôn có nhiệm vụ giữ lạm phát ở mức 2%/năm.

Nếu như không muốn đi lại vào vết xe đổ của Nhật Bản, đẩy đồng Euro vào số phận tương tự thì ECB cần phải tránh xa cách làm của BOJ: nới lỏng chính sách tiền tệ quá ít và quá muộn.

Năm nay, các nhà chính sách của ECB đã có quyết định khôn ngoan khi kêu gọi các chính phủ thuộc Eurozone đẩy mạnh các ngân hàng trong khu vực.

Quyết định tuần trước của ECB về việc hạ lãi suất xuống mức thấp kỉ lục - chỉ còn 0,25% là một bước quan trọng đầu tiên. Lời cảnh báo của chủ tịch ECB - ông  Mario Draghi rằng sẵn sàng giảm tiếp lãi suất huy động xuống 0 trong tương lai nếu Eurozone có nguy cơ giảm phát là bước quan trọng kế tiếp. Việc làm này ngăn cho đồng Euro tăng thêm.

ECB cũng sẽ nhìn về phía Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Việc giảm mua trái phiếu của FED được kì vọng trong vài tháng tới sẽ làm tăng giá trị của đồng USD so với các đồng tiền khác, hay nói cách khác đồng Euro cũng sẽ bị định giá thấp hơn đối với USD nhờ vào chính sách này.

Tuy nhiên, mọi bước tiến của ECB trong thời gian tới đều cần phải cẩn trọng. Không phải mong muốn giảm giá trị đồng Euro là cách làm hữu hiệu. Việc một đồng tiền cứ mãi suy yếu sẽ lại khiến kinh tế quay ngược lại nguy cơ giảm phát.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai. Với hiện tại trước mắt, động thái cắt giảm lãi suất của ECB là hoàn toàn chính xác và có lẽ khu vực này còn cần phải chủ động nới lỏng hơn nữa để tránh vào kinh nghiệm của Nhật Bản.
 

Quỳnh Hoa
Theo FT

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *