Quốc tế 11/03/2015 07:29

Doanh nghiệp Trung Quốc thua lỗ khi “đánh bắt xa bờ”

Trung Quốc có hơn 20.000 doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài nhưng 90% làm ăn thua lỗ. Một trong những nguyên nhân là gần đây nhiều quốc gia tuyên bố ngừng triển khai dự án có công ty Trung Quốc đóng góp đầu tư.

Dự án thành phố cảng Colombo ở Sri Lanka do nhà thầu Trung Quốc thi công phải dừng lại

 

Đầu tư theo lối đầu cơ

Quy mô đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng tốc rất nhanh. Báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc được công bố ngày 21-1 chỉ ra, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu vốn ròng lần đầu tiên trong lịch sử nước này, với tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) vượt đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong năm 2014.

Theo đó, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Thẩm Đan Dương cho biết, tổng số vốn ODI của Trung Quốc năm 2014 đạt 116 tỷ USD, tăng 15,5% so với năm trước. Trong tổng số vốn ODI này có 102,89 tỷ USD đầu tư vào các lĩnh vực phi tài chính, tăng 14,1%. Nếu tính cả nguồn đầu tư của Trung Quốc thông qua bên thứ ba, thì tổng số vốn ODI của Trung Quốc năm 2014 đạt 140 tỷ USD. 

Tuy nhiên, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc thực tế không thành công. Phó chủ tịch Hiệp hội xúc tiến thương mại kinh tế Trung Quốc Vương Văn Lợi cho biết, hơn 90% trong số hơn 20.000 doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài bị thua lỗ. Lo ngại rủi ro hiện là vấn đề được các nhà đầu tư nước này cân nhắc hàng đầu trước khi muốn vươn xa.

Chỉ ra sai lầm khiến các nhà đầu tư Trung Quốc thua lỗ ở thị trường nước ngoài, ông Đàm Nhã Linh - Viện trưởng Viện nghiên cứu đầu tư ngoại hối Trung Quốc thẳng thắn nói, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc có chiến lược và phương hướng đầu tư nước ngoài sai lầm. Tư tưởng chính là kiếm tiền nhanh chóng, đầu cơ ngắn hạn, mù quáng theo đuổi lợi nhuận…Việc này chính là biến rủi ro của người khác thành thời cơ của mình. Bất cứ một doanh nghiệp nào làm ăn chân chính đều không nên có lối tư duy đầu cơ để tránh bị thiệt hại. Đặc biệt, ông Đàm cho rằng, vẫn tồn tại hiện tượng vi phạm quy định, cơ chế kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc tại nước ngoài.

Liên tiếp có dự án “mắc xương”

Một trong nhiều nguyên nhân khiến các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài bị thua lỗ là do gần đây một số quốc gia khác như Hy Lạp,    Mexico, Pháp hay các quốc gia láng giềng ở châu Á đã ra quyết định ngừng dự án của các công ty Trung Quốc. 

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka tuyên bố sẽ sớm sang Bắc Kinh để đàm phán lại những hợp đồng mà chính quyền cũ đã ký với các công ty và tổ chức tài chính Trung Quốc.  Chính phủ mới của Tổng thống Maithripala Sirisena cáo buộc chính quyền cũ tham nhũng tràn lan, đặc biệt trong những dự án sử dụng tiền từ Trung Quốc. 

Trước đó, ngày 24-2, Campuchia tuyên bố công trình xây dựng đập thủy điện Stung Cheay Areng sẽ bị hoãn ít nhất đến năm 2018 vì vấp phải sự phản đối của người dân và các tổ chức bảo vệ môi trường. Đây là công trình đập thủy điện trị giá 400 triệu USD mà Campuchia đã ký với Tập đoàn kiến thiết thủy điện thủy lợi Trung Quốc (Sinohydro). Cũng trong tháng 2-2015, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Jericho Petilla tuyên bố đưa 16 kỹ thuật viên Trung Quốc đang làm việc cho Tập đoàn Hệ thống điện lực quốc gia Philippines (NGC) về nước bởi lo ngại nguy cơ an ninh khi để người Trung Quốc điều hành hệ thống điện quốc gia. Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (SGC) hiện đang nắm 40% cổ phần NGC.

Còn trong tháng 1, Chính phủ mới của Hy Lạp đã tuyên bố tạm ngừng tiến trình bán 67% cổ phần cảng Piraeus, hải cảng lớn nhất ở Hy Lạp. Tập đoàn Trung Quốc Cosco và 4 công ty khác nằm trong danh sách các đối tượng mua cổ phần hải cảng này.

Tháng 11-2014, Mexico đột ngột hủy bỏ hợp đồng dự án đấu thầu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc với tổng trị giá hơn 3,7 tỷ USD với liên minh nhà thầu là một số tập đoàn lớn của Trung Quốc vì nghi ngờ về tính hợp pháp và minh bạch trong quá trình đấu thầu. Cũng trong năm ngoái, Chính phủ Pháp dự định bán 49,9% cổ phần của sân bay Toulouse-Blagnac cho một tập đoàn của Trung Quốc, tuy nhiên dự định này gặp cản trở vì lý do an ninh và gây tranh cãi. Tình huống tương tự cũng xảy ra đối với Công ty Trung Hưng và Hoa Vi của Trung Quốc trong nhiều dự án đầu tư tại Âu Mỹ.

Theo Đỗ Mai

ANTĐ

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *