Quốc tế 04/11/2013 12:53

Đầu tư công của Mỹ xuống thấp nhất kể từ thế chiến II

FICA - Đầu tư công tại Mỹ đã chạm mức thấp nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai bởi thành công của Đảng Cộng hòa trong việc ngăn cản yêu cầu thúc ép phải chi nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, khoa học và giáo dục của Tổng thống Barack Obama.

Theo Financial Times, tổng vốn đầu tư khu vực công của Mỹ giảm xuống còn tương đương 3,6% tổng sản phầm quốc nội (GDP), so với mức trung bình trước chiến tranh là 5%, phản ánh tác động của việc thắt lưng buộc bụng tới nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tỷ lệ đầu tư công của Mỹ trên GDP
Nguồn: FT

 

Yêu cầu tiếp tục cắt giảm chi tiêu của các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện dường như nhấn chìm nước Mỹ, và ngược lại, chiến thuật không khoan nhượng này phải đổi bằng cái giá chính trị là mức ủng hộ họ tại Quốc hội xuống thấp kỷ lục.


Đảng Dân chủ kiểm soát Nhà Trắng và Thượng viện, hầu như không nhượng bộ trong cuộc chiến về ngân sách Chính phủ niên khóa 2014 cũng nhưng tăng trần nợ công đẩy chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong tháng 10. Tuy vậy, ông Obama vẫn còn rất xa mục tiêu kinh tế chính mà nhiệm kỳ của ông đề ra. Các số liệu cho thấy việc cắt giảm ngân sách đang đe dọa tới tăng trưởng tương lai như thế nào, khi việc cắt đứt các khoản đầu tư liên bang làm chậm đà tăng trưởng sản lượng của nền kinh tế.


"Điều này là động lực cho mong muốn tăng đáng kể đầu tư công của Tổng thống", Jason Furman, chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế của tổng thống, một trợ lý thân cận từ thời chiến dịch tranh cử tổng thống 2008 của ông Obama phát biểu. "Chúng tôi đang đề xuất một mức tăng lớn và điều đó là vì nước Mỹ đang đầu tư chưa đủ cho cơ sở hạ tầng, chưa đủ cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D)". Khoản tiền được chính phủ Obama đề xuất cho năm 2014 là 624,8 tỷ USD, trong khi số tiền đầu tư công trong tài khóa 2012 là 475 tỷ USD.


Số liệu được công bố khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa bắt đầu vòng đàm phán ngân sách mới cho các kế hoạch chi tiêu và thuế trong phần còn lại của năm 2014, sau khi thỏa thuận ngắn hạn chấm dứt giữa tháng 1 tới. Các nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ theo đuổi việc ngừng cắt giảm chi tiêu công, tuy nhiên hầu hết các chuyên gia phân tích chờ đợi một thỏa thuận ở mức khiêm tốn nhất.


Kirk Dale, một quản đốc tại thị trấn Marlette, Michigan nếm trải về cái gọi là "chi tiêu ít hơn cho cơ sở hạ tầng". Ba mươi năm trước, ông cảm thấy thị trấn nhỏ của mình đang thay đổi khi Cooper Road, một con đường dân sinh địa phương, lần đầu tiên được trải nhựa. Nhưng hôm nay, Marlette không có khả năng duy trì và quyết định quay trở lại với những con đường toàn sỏi. Số tiền để trải nhựa cho con đường dài 1 dặm là 60.000 USD và cứ 10 năm một lần, người ta lại chi trả cho hoạt động này, Dale Stolicker, một thành viên của Ủy ban Đường xá quận Sanilac cho biết.


Sức ép đối với ngân sách dành cho cơ sở hạ tầng tại Mỹ trở thành cấp tính kể từ Đại Suy thoái 2008 - 2009, nhưng đầu tư công Mỹ suy yếu kể từ cuối những năm 1960. Chi phí làm đường cao tốc, là một ví dụ, giảm mạnh kể từ năm 2000 bởi nguồn doanh thu chính cho hoạt động này là thuế nhiên liệu - thứ chẳng hề tăng trong khi xe hơi ngày càng tiết kiệm nhiên liệu hơn.


Đảo ngược xu hướng đi xuống này là một phần vấn đề kinh tế thách thức Tổng thống Barack Obama từ thời điểm ông bắt đầu chiến dịch tranh cử Tổng thống. Tháng 6/2008, trong bài phát biểu tại trường Đại học Kettering tại Flint, Michigan, Obama cho rằng đầu tư vào đổi mới, giáo dục và cơ sở hạ tầng là câu trả lời chính cho những thách thức kinh tế về công nghệ và toàn cầu hóa.

Lam Thanh
Theo FT

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *