Quốc tế 12/06/2014 09:54

Dân Hong Kong ‘nổi đóa’ trước cảnh báo từ chính quyền TQ

Những người ủng hộ dân chủ ở Hong Kong tỏ ra giận dữ trước việc chính phủ Trung Quốc công bố Sách Trắng khẳng định “thẩm quyền toàn diện” của Bắc Kinh đối với đặc khu hành chính này.

Đồng thái này chỉ vài ngày sau khi hơn 100.000 người dân Hong Kong tụ tập biểu tình đòi các quyền tự chủ nhiều hơn.

Bắc Kinh nói gì?
 
Sách Trắng dài 14.500 chữ đã nhấn mạnh Hong Kong không có “đầy đủ quyền tự chủ” và phải chịu sự giám sát của Bắc Kinh. Sách Trắng được đưa ra trong bối cảnh đang diễn ra cuộc tranh luận gay gắt giữa các cư dân tại thuộc địa cũ của Anh về việc cải cách tại cuộc bầu cử sắp tới và bản chất khái niệm “một quốc gia, hai chế độ”.
 
Được xuất bản bởi Văn phòng Thông tin Hội đồng nhà nước, Sách Trắng đã tuyên bố “có nhiều quan điểm sai lầm hiện đang lan tràn ở Hong Kong” liên quan đến nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Một số cư dân đã “nhầm lẫn hoặc sai lệch trong lý giải nguyên tắc này”, Sách Trắng cho biết.
 

Một bản sao chiếc xe tăng đã được dựng nên ở Hong Kong nhằm kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn ngày 4.6.1989 tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP 

 
“Mức độ tự chủ cao của HKSAR (tức Đặc khu hành chính Hong Kong) không phải là quyền tự chủ, cũng không phải là sức mạnh phân cấp. Đó là sức mạnh để thực thi các vấn đề địa phương theo ủy quyền của trung ương”, Sách Trắng nhấn mạnh.
 
Hệ thống chính trị độc đáo của Hong Kong được đảm bảo thông qua nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Điều này cho phép Hong Kong được hưởng quyền tự do dân chủ một cách rộng rãi và thêm nhiều quyền dân sự vốn không được phép ở đại lục. Hong Kong cũng được phép phát triển thành một thành phố tự do, tư bản chủ nghĩa trong lòng chế độ xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc.
 
Người Hong Kong giận dữ
 
Ngay sau khi Sách Trắng được công bố, người Hong Kong đã tỏ ra giận dữ. Khoảng 40 người biểu tình ngày 11.6 đã tụ tập bên ngoài văn phòng đại diện của Bắc Kinh ở phía tây Hong Kong để phản đối, đồng thời đốt một bản in của Sách Trắng và  vung vẩy các cuộn giấy vệ sinh có in Luật Cơ bản (còn được hiểu như Hiến pháp của thành phố).
 

Người biểu tình Hong Kong đốt một bản in Sách Trắng của Trung Quốc. Ảnh: AP 

 
“Đây là một sự can thiệp rõ ràng các vấn đề của Hong Kong”, nghị sĩ ủng hộ dân chủ Lee Cheuk Yan nói với các phóng viên bên ngoài Văn phòng liên lạc của chính phủ, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh thu hồi Sách Trắng.
 
Nghị sĩ Hong Kong Alan Leong, một lãnh đạo của Đảng Công dân cho biết Sách Trắng làm ông “hoàn toàn sửng sốt” và khiến ông “bị rùng mình”.
“Đó là một sự thay đổi sự hiểu biết của chúng tôi về những gì được gọi là một quốc gia, hai chế độ”, ông nói.
 
Theo ông, quan điểm cho rằng quyết định tư pháp được thực hiện ở Hong Kong nên tính đến các yêu cầu của Trung Quốc là một khái niệm mới, và điều đó “hoàn toàn ghê tởm với sự hiểu biết của chúng tôi về các quy định của pháp luật”.
 
“Tôi ngạc nhiên là đất nước có thể ngang nhiên xóa bỏ những lời hứa và cam kết vốn đã mang về Hong Kong một cách trơn tru trước đây”, nhà lập pháp này tuyên bố.
 
Các tờ báo Hong Kong cũng lên tiếng chỉ trích Sách Trắng của chính quyền Bắc Kinh. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) trong một bài báo tiêu đề “Lời nhắc nhở về việc ai là ông chủ thực sự” đã nhận định rằng Sách Trắng cho thấy “quyết tâm duy trì kiểm soát” của Bắc Kinh.
 

Người dân Hong Kong biểu tình phản đối Sách Trắng của chính quyền Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images  

 
Trong khi đó, tờ Minh Báo trong một bài xã luận đã chỉ ra “tình hình đáng lo ngại” trong bối cách ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.
 
Các luật sư ở Hong Kong cũng đưa ra một tuyên bố bác bỏ một yêu cầu của Sách Trắng khi cho rằng các thẩm phán nên bảo vệ an ninh quốc gia và chủ quyền. Theo Hiệp hội Luật sư Hong Kong, các thẩm phán có trách nhiệm bảo vệ sự độc lập tư pháp và họ không phải là các “quản trị viên” của chính phủ.
 
Theo nhiều nhà phân tích, Sách Trắng như là một cảnh báo đến các nhà vận động đang đẩy mạnh việc tuyên truyền cho việc thực hiện phổ thông đầu phiếu trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2017, khi đặc khu hành chính này sẽ tiến hành lựa chọn người đứng đầu mới.
 
Một điều trong Luật Cơ bản của Hong Kong đã khẳng định mục tiêu cuối cùng là người đứng đầu HKSAR phải được bầu thông qua phổ thông đầu phiếu. Không những thế, chính phủ Trung Quốc hồi năm 2007 cũng tuyên bố rằng việc phổ thông đầu phiếu có thể diễn ra sớm nhất vào năm 2017.
 
Tuy nhiên triển vọng này đang gây nên tranh cãi khi nhiều chính trị gia ủng hộ Bắc Kinh của thành phố cho rằng chỉ các ứng viên “yêu Trung Quốc” mới hội đủ điều kiện trở thành Đặc khu trưởng.
 
Hiện nay, Đặc khu trưởng của HKSAR được lựa chọn bởi một ủy ban gồm 1.200 thành viên, trong đó chủ yếu gồm những người ủng hộ Bắc Kinh và các doanh nhân.
 
Theo Hoài Anh
Một thế giới
 
 
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *