Quốc tế 09/05/2015 07:47

Đã đến lúc biểu tượng Alibaba suy tàn?

Với vị thế gần như thống trị trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Trung Quốc, Alibaba sẽ không thể chết. Nhưng nếu không thay đổi, nó sẽ vĩnh viễn chỉ là một tập đoàn gói gọn hoạt động trong phạm vi trong nước mà thôi, và điều này đồng nghĩa với một tập đoàn bình thường như bao tập đoàn khác của Trung Quốc.

Nếu hỏi bất cứ một người Trung Quốc trẻ tuổi nào, rằng theo anh ta đâu là biểu tượng cho sự tăng tốc về kinh tế ấn tượng của Trung Quốc trong những năm qua, thì hẳn là phần lớn sẽ chọn Alibaba – biểu tượng của ngành thương mại điện tử nước này ở thời điểm hiện tại. 
 
Khác hẳn với những tập đoàn hàng đầu khác của Trung Quốc vốn đều được đỡ đầu bởi chính phủ và đi lên nhờ những ưu đãi khổng lồ, Jack Ma – ông chủ của Alibaba gần như đã đi lên từ hai bàn tay trắng, để giờ đây trở thành một trong 13 người giàu nhất hành tinh. Jack Ma được giới trẻ xem là một Bill Gates của Trung Quốc. Nhưng Alibaba có được xem là một Microsoft của Trung Quốc hay không, thì có lẽ là chưa chắc, khi mà nó đang đứng trước ngưỡng cửa của sự suy tàn.
 
Không có gì khó hiểu khi mà hầu hết giới trẻ và một bộ phận lớn người dân Trung Quốc đều coi Alibaba là câu chuyện thành công tiêu biểu của người Trung Quốc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Nếu như hầu hết các tập đoàn lớn khác của Trung Quốc đều là các tập đoàn quốc doanh, và nhận được sự ưu đãi lớn của chính phủ về vốn và các hợp đồng béo bở, thì Alibaba lại là một ngoại lệ. Đi lên từ hai bàn tay trắng và bằng một con đường chưa từng được khai phá trước đó ở Trung Quốc, ông chủ của Alibaba – Jack Ma – vì thế được xem như một Bill Gates của đất nước đông dân nhất hành tinh. 
 
Thành công của Alibaba không đến từ sự hậu thuẫn của chính phủ như những tập đoàn lớn khác, mà là từ sự năng động và nắm bắt thời cơ tuyệt hảo. Bằng cách đóng vai trò làm cầu nối giữa các doanh nghiệp thông qua hệ thống thương mại điện tử, kết nối các công ty trong nước với nhau và với các doanh nghiệp nước ngoài, Alibaba đã làm nên cả một cuộc cách mạng. 
 
Người ta đã thống kê số cửa hàng bán lẻ truyền thống bị loại bỏ do loại hình thương mại mới của Alibaba lên tới hàng trăm ngàn. Mua sắm ở Trung Quốc giờ đây chỉ là những cái click chuột hoặc lướt tay trên smartphone, chứ không còn là dạo shop như trước.
 
Với những thành công của mình, Alibaba gần như đã trở thành độc tôn ở Trung Quốc và là một trong những đế chế thương mại điện tử lớn nhất trên thế giới. 
 
Tất cả đều dựa vào chất xám và sức mạnh công nghệ chứ không phải là tiền bạc và quan hệ như phần lớn các tập đoàn khác của Trung Quốc. Nhưng không có nghĩa là Alibaba không hưởng lợi từ những thành quả của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm qua. Cũng giống như mọi lĩnh vực khác ở Trung Quốc trong những năm qua vốn nhận được sự quan tâm và đầu tư rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, lĩnh vực thương mại điện tử của Alibaba cũng vậy. Đây được xem là một lĩnh vực mới và rất giàu tiềm năng, và quan trọng hơn hết là chính phủ Trung Quốc đang bỏ ngỏ lĩnh vực này cho giới tư nhân thay vì tìm cách kiểm soát. Đánh hơi thấy sự béo bở này, hàng loạt các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào Alibaba, biến nó trở thành một ông trùm thực sự trong lĩnh vực thương mại điện tử. 
 
Sự thăng tiến của Alibaba nói riêng, và sự phát đạt của kinh tế Trung Quốc trong những năm qua nói chung, đã khiến cho tiền và kỳ vọng đổ vào tập đoàn này nhiều hơn bao giờ hết. Thậm chí Jack Ma đã phải tuyên bố mối đe dọa lớn nhất với Alibaba đến từ sự kỳ vọng quá lớn của nhà đầu tư.
Và có vẻ như lời tuyên bố đó đã trở thành sự thật. Và khi mà kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại và không còn hấp dẫn các nhà đầu tư như trước, thì lớp sơn trên bề mặt của Alibaba cũng dần bị rửa trôi đi. Làn sóng các nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc kể từ giữa năm 2014 ngày càng gia tăng, và Alibaba cũng không là ngoại lệ.
 
Triển vọng tăng trưởng kinh tế thấp nhất kể từ năm 1990 đã khiến cho kỳ vọng đối với lĩnh vực thương mại điện tử suy giảm nặng nề. Đó là điều dễ hiểu khi thương mại điện tử thực chất chỉ là một lĩnh vực ăn theo của nền kinh tế. Các nhà đầu tư dần rút đi, cổ phiếu của Alibaba ngày càng sụt giá. 
Theo ước tính kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay, sự sụt giá cổ phiếu đã khiến Alibaba mất đi khoảng 70 tỷ USD – một con số khổng lồ. Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại khiến cho nhu cầu thương mại điện tử giảm đi, cũng khiến cho lợi nhuận của Alibaba sụt giảm, và trong động thái gần nhất Alibaba đã tuyên bố bổ nhiệm một CEO mới để thay đổi tình hình.
 
Thời điểm hiện tại có lẽ là lúc thích hợp nhất, để người Trung Quốc có được một cái nhìn chính xác nhất về biểu tượng nền kinh tế của mình. Những kỳ vọng về một Microsoft hay một Apple của Trung Quốc đã tan thành mây khói, khi mà Alibaba trên thực tế cũng giống như tất cả các tập đoàn khác của Trung Quốc là phát triển dựa trên sự tăng tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Giống như những con sam bám trên vách đá bờ biển. Khi mà nền kinh tế Trung Quốc khỏe mạnh và thịnh vượng, thì Alibaba và các tập đoàn khác cũng thế. Nhưng khi kinh tế Trung Quốc hắt hơi, thì Alibaba và các tập đoàn khác cũng bị "cảm lạnh".
 
Alibaba về cơ bản cũng mắc một nhược điểm giống như mọi tập đoàn khác của Trung Quốc, là khả năng đầu tư ra thế giới cực kỳ khiêm tốn. Chỉ có khoảng 5% doanh thu của Alibaba đến từ thị trường ngoài Trung Quốc. Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa Alibaba so với những Microsoft hay Apple, khi mà những tập đoàn của Mỹ luôn vươn ra rất xa và rộng trên toàn cầu, để không bị ảnh hưởng bởi sự thăng trầm của nền kinh tế quốc nội.
Về cơ bản, với vị thế gần như thống trị trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Trung Quốc, Alibaba sẽ không thể chết. Nhưng nếu không thay đổi, nó sẽ vĩnh viễn chỉ là một tập đoàn gói gọn hoạt động trong phạm vi trong nước mà thôi, và điều này đồng nghĩa với một tập đoàn bình thường như bao tập đoàn khác của Trung Quốc. Cái tên Alibaba lúc ấy sẽ chỉ là một thương hiệu chỉ biết đến trong nước, như một nhãn hiệu mì tôm hoặc nước giải khát, thậm chí Alibaba sẽ còn thua cả những nhãn hiệu được nhiều nơi trên thế giới biết đến, như trà Ô Long chẳng hạn. 
 
Lối thoát duy nhất cho Alibaba và các tập đoàn khác của Trung Quốc lúc này, là phải đầu tư ra nước ngoài như những gì Microsoft hay Apple đang làm. Nếu không, nó sẽ vĩnh viễn trở thành một biểu tượng chết, một biểu tượng không bao giờ trưởng thành và mãi mãi chỉ là một sự kỳ vọng mà thôi. Đó là câu chuyện của Alibaba, và cũng là câu chuyện của cả nền kinh tế Trung Quốc nữa.
 
Theo Nhàn Đàm 
Một thế giới/Bloomberg
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *