Doanh nghiệp 27/01/2014 07:19

Doanh nghiệp cà phê bị thu hồi tiền hoàn thuế “Quýt làm, cam chịu”?

Sau khi nhận được đơn kêu cứu của 6 danh nghiệp (DN) kinh doanh xuất cà phê xuất khẩu tại tỉnh Đăk Lăk bị Cục thuế tỉnh ra quyết định thu hồi tiền thuế VAT từ năm 2012, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét giải quyết cho DN.

DN cà phê kêu cứu

Ngày 17/1/2014, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam đã nhận được đơn kiến nghị khẩn cấp của 6 DN kinh doanh xuất khẩu cà phê lớn tại Đăk Lăk về việc Cục thuế tỉnh đã ra quyết định thu hồi khoảng 80 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng đã hoàn cho các DN từ năm 2012 đến nay. Trong số đó, doanh nghiệp Minh Anh bị truy thu cao nhất lên tới 44 tỉ đồng, công ty XNK 2/9 bị truy thu khoảng 7 tỷ đồng. Việc làm này sẽ càng gây khó khăn cho DN trong bối cảnh hiện nay.

Theo giải thích của Cục thuế tỉnh Đăk Lăk, thời gian qua, Cục đã phát hiện một số doanh nghiệp kinh doanh cà phê, chủ yếu là đơn vị thu mua bán hàng cho các DN xuất khẩu, có vi phạm trong việc sử dụng hóa đơn VAT. Nhiều DN đã lợi dụng chính sách hoàn thuế để trục lợi hàng trăm tỷ đồng của nhà nước bằng cách mua cao, bán thấp, mua - bán lòng vòng, hoặc xuất hóa đơn khống...

Theo ông Lê Hùng Anh – Phó giám đốc Công ty TNHH Anh Minh, việc truy thu này không thỏa đáng bởi vì công ty không trực tiếp mua gom cà phê và sử dụng hóa đơn không hợp lệ để được khấu trừ VAT. Hơn nữa, việc làm ăn với đối tác nước ngoài đều có hợp đồng kinh tế, biên bản giao hàng, đã xuất hóa đơn VAT hợp pháp và việc thanh toán giữa hai bên đã thực hiện qua ngân hàng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, gian lận thuế và khó khăn trong hoàn thuế thuế VAT không chỉ phá vỡ, làm xấu môi trường kinh doanh mà còn đẩy DN làm ăn chân chính vào chỗ khó khăn. Đây cũng là lý do khiến cà phê Việt Nam thiếu tính cạnh tranh và đang mất dần thị trường.

Nhiều DN khác cũng cho biết hồ sơ hoàn thuế của họ đều tuân thủ đúng các quy định của pháp luật thuế. Và đã được Cục Thuế tỉnh Đăk Lăk kiểm tra, giám sát kỹ và công nhận đủ điều kiện trước khi hoàn thuế (với trường hợp kiểm tra trước, hoàn sau) theo Thông tư 06/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Do vậy, việc gian lận thuế nếu có ở các công ty trung gian thì các DN này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ không thể bắt các DN xuất khẩu chịu trách nhiệm. Điều này chẳng khác nào “quýt làm cam chịu”!

Cần tháo gỡ cho DN

Nhiều năm qua, các thủ tục liên quan đến thuế VAT luôn là mối quan ngại của DN kinh doanh cà phê chân chính, nhất là việc hoàn thuế sau xuất khẩu. Việc chậm hoàn thuế sẽ gây nhiều khó khăn cho DN, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, DN đã khó tiếp cận vốn lại bị “lưu trữ” khoản tiền này. Nếu xét theo giá trị xuất khẩu năm 2013 đạt 2,75 tỷ USD, có nghĩa là số tiền VAT (5%) phải hoàn là 137,5 triệu USD.

Do vậy, hầu hết các ý kiến của cơ quan thuế, hiệp hội ngành hàng, DN đều kiến nghị sửa Luật thuế VAT theo hướng chuyển mặt hàng nông sản xuất khẩu, trong đó có cà phê vào đối tượng không chịu thuế. Điều này sẽ giúp cho việc theo dõi, quản lý dễ dàng, tránh tình trạng nhiều DN lợi dụng chính sách hoàn thuế để chiếm đoạt tiền của nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao - cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu cà phê, năm 2013, Bộ Tài chính đã có những xử lý kịp thời như tổ chức đối thoại, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn việc thực hiện hoàn thuế VAT theo Nghị định 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ và bước đầu cũng có tác động tích cực.

Đối với trường hợp đơn kiến nghị của 6 DN hội viên, Hiệp hội đã tổng hợp ý kiến và tài liệu, hồ sơ của DN để gửi Bộ Tài chính, đề nghị xem xét giải quyết thỏa đáng nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, để họ có vốn thu mua cà phê trong niên vụ 2013/2014.

Theo Đình Dũng

Công thương

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *