Quốc tế 07/02/2015 07:45

Cuộc chiến tiền tệ toàn cầu: Trung Quốc trước ngã ba đường

Một cuộc chiến tiền tệ toàn cầu đang được phát động, đó có vẻ như là một thực tế mà không ai có thể phủ nhận ở thời điểm hiện tại, khi một làn sóng điều chỉnh chính sách tỷ giá tiền tệ đang thực sự diễn ra ở những nền kinh tế lớn nhất và nhiều khả năng sẽ lan tràn ra khắp thế giới trong thời gian tới.

cuoc chien tien te

Nhưng trong khi mà EU, Nhật Bản, Ấn Độ đang đua nhau điều chỉnh chính sách tỷ giá tiền tệ thì Trung Quốc vẫn đang ngập ngừng trong việc quyết định của mình. Nếu như từ trước đến nay Bắc Kinh vẫn luôn nhạy bén trước những động thái tương tự thì giờ đây họ đang lưỡng lự hơn bao giờ hết, khi Trung Quốc đang thực sự đứng trước ngã ba đường khi lựa chọn tham gia cuộc chiến tiền tệ toàn cầu này.

Ngã ba đường khiến Trung Quốc phân vân cũng đang chia các nền kinh tế lớn nhất thế giới ra làm hai ngả. Một đằng là tiếp tục nâng cao giá trị đồng nội tệ của mình như Mỹ đang làm với đồng USD và Thụy Sĩ đang làm với đồng Franc, phía còn lại tập trung hạ giá trị đồng nội tệ để kích thích kinh tế trong nước tăng trưởng như Nhật Bản và EU, hay để đẩy mạnh xuất khẩu như Singapore và Úc. 

Đa số đang nghiêng về phía những nước đang tìm cách hạ giá đồng nội tệ khi đã có tới 9 nước thực hiện chính sách này trong tháng 1.2015. Duy chỉ có Trung Quốc vẫn đang ngập ngừng giữa hai lựa chọn, đơn giản là vì quyết định chọn lựa chính sách cho tỷ giá đồng nội tệ là không dễ với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.
 

Sở dĩ như vậy, là vì tình hình kinh tế Trung Quốc đang không giống với bất cứ một nền kinh tế lớn nào trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Trung Quốc là nước ít bị thiệt hại nhất trong số các nền kinh tế lớn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, khi đó Trung Quốc đã dễ dàng thoát khỏi sự sụp đổ kinh tế nhờ kích cầu thị trường nội địa khổng lồ của mình. 

Đó là lý do vì sao khi Mỹ, Nhật Bản và EU đang chật vật hồi phục sau cơn đại khủng hoảng, thì Trung Quốc vẫn tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao.
 
Trung Quốc đã thoát hiểm một cách ngoạn mục, nhưng cũng đồng nghĩa với việc giờ đây nền kinh tế thứ hai thế giới đang một mình một đường.

Lựa chọn một chính sách để tham gia cuộc chiến tiền tệ ở thời điểm hiện tại vì vậy đang là một bài toán hóc búa với Trung Quốc. Nếu như chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn khác phụ thuộc chặt chẽ vào mục tiêu kinh tế của họ, như Mỹ là để hồi phục nền kinh tế với động lực chính là hồi phục thị trường nội địa do vậy cần một đồng USD mạnh, còn Nhật Bản và EU cần hạ giá đồng nội tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế để tránh nguy cơ giảm phát, thì Trung Quốc lại không như vậy. 

Bắc Kinh vừa muốn hạ tỷ giá đồng Nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu, nhưng đồng thời lại vừa muốn nâng tỷ giá đồng nội tệ của mình mạnh lên để thu hút đầu tư nước ngoài vốn đang trong một dòng thoái vốn ồ ạt ra khỏi nước này.
 

Chính vì chưa xác định được mục tiêu kinh tế trước mắt nên Bắc Kinh đang do dự hơn bao giờ hết trong việc lựa chọn chính sách tiền tệ trong tương lai của mình. Giới phân tích thế giới vì thế đang chứng kiến những động thái trái ngược ở Trung Quốc, khi mới đây nhất ngân hàng trung ương Trung Quốc tuyên bố cắt giảm dự trữ bắt buộc 50 điểm cơ bản đối với các ngân hàng để kích thích cho vay và đầu tư như một biện pháp hỗ trợ tăng trưởng bằng cách hạ tỷ giá đồng Nhân dân tệ

Trong khi đó, thủ tướng Lý Khắc Cường trong bài phát biểu ở Diễn đàn kinh tế thế giới Davos lại tuyên bố sẽ tăng cường vị thế kinh tế của Trung Quốc bằng cách tạo nên một đồng Nhân dân tệ mạnh như một sự cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là sự phân vân mà Bắc Kinh đang gặp phải trước bài toán chính sách tiền tệ, trong khi áp lực từ cuộc chiến tiền tệ toàn cầu lên Trung Quốc đang ngày càng tăng, đòi hỏi chính phủ Trung Quốc đưa ra một quyết định dứt khoát hơn bao giờ hết.
 

Các chuyên gia cho rằng, bài toán chính sách tỷ giá đối với Trung Quốc phức tạp đến mức không thể đơn thuần chỉ gói gọn trong hai đáp án là nâng hay hạ tỷ giá. Nhật Bản hay EU hạ tỷ giá xuống mức thấp vì họ đang đối mặt với nguy cơ giảm phát, còn Trung Quốc thì không, nếu Trung Quốc hạ tỷ giá xuống thấp có thể phát sinh những hệ quả khó lường cho nước này, 

“Nếu bạn không kích thích các hoạt động kinh tế trong nước mà chỉ chăm chăm vào việc hạ tỷ giá hối đoái, bạn có thể gặp rắc tối nghiêm trọng với kinh tế trong nước”, đó là nhận định của thống đốc ngân hàng dự trữ Ấn Độ Raghuram Rajan khi bình luận về việc hạ giá đồng nội tệ. Điều này đang đúng một cách kinh ngạc với trường hợp của Trung Quốc.
 

Nhưng mặt khác, nếu Trung Quốc không hạ tỷ giá, thâm hụt thương mại của họ với các cường quốc kinh tế khác sẽ ngày càng lớn. Chưa nói đến EU, mà nước láng giềng Nhật Bản đang là thách thức lớn nhất với Trung Quốc. 

Đồng Yen Nhật đã mất giá 30% từ khi thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền và đang gây thiệt hại nghiêm trọng đến Trung Quốc trên cán cân thương mại giữa hai nước, những tập đoàn lớn của Nhật như Toyota hay Sony đang thu lợi lớn từ việc hạ giá đồng Yen để tăng cường xuất khẩu đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh không nhanh chóng hành động, thâm hụt thương mại của Trung Quốc với Nhật Bản sẽ ngày càng tăng.
 
Thế tiến thoái lưỡng nan đang khiến Trung Quốc bối rối hơn bao giờ hết khi mà cuộc chiến tiền tệ toàn cầu đang ở ngay trước cửa. Không thể tham dự một cuộc chiến nếu như anh chưa chọn được phe, mà Trung Quốc thì có vẻ như chẳng phù hợp với phe nào trong hai phe chủ yếu ở thời điểm hiện tại. 
 
Điều đó đồng nghĩa Trung Quốc nếu như không muốn đơn thương độc mã chống lại cả thế giới thì họ chỉ có cách đứng trung lập. Nhưng trong một cuộc chiến kinh tế có quy mô toàn cầu như thế này, thì trung lập cũng đồng nghĩa với việc đứng im chịu trận và chấp nhận thiệt hại.

Theo Nhàn Đàm 

Một thế giới/Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *