Chứng Khoán 28/03/2014 08:40

VCBS khuyến nghị không nên đầu tư vào cổ phiếu Sacombank

FICA - Đánh giá cao hoạt động kinh doanh của Sacombank với những lợi thế đặc thù về ngân hàng bán lẻ và mức NIM cao, dẫn đầu hệ thống, song VCBS cho rằng, thương vụ sáp nhập với NH Phương Nam, một ngân hàng có tỷ lệ sinh lời thấp và độ rủi ro tài sản cao sẽ làm chất lượng tài sản của Sacombank đi xuống nhanh hơn trong 2014 và gia tăng áp lực trích lập dự phòng.

Mặc dù chịu nhiều sự phản đối từ các đông nhỏ lẻ nhưng chủ trương sáp nhập Ngân hàng TMCP Thương Tín (Sacombank - STB) và Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank - PNB) vẫn được thông qua với tỷ lệ đồng thuận 97%.

 

Theo như giải trình của HĐQT Sacombank, động lực chính thúc đẩy sáp nhập vẫn là giúp ngân hàng đạt được lợi thế về quy mô, củng cố vững chắc hơn vị thế về thị phần và mạng lưới hoạt động.

Thêm nữa, việc sáp nhập được cho là phù hợp với định hướng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của NHNN ở thời điểm hiện tại, hướng đến xử lý các ngân hàng yếu kém thông qua M&A và giảm hiện tượng sở hữu chéo.

Tuy nhiên, các câu hỏi về những bất lợi của thương vụ đối với Sacombank chưa được trả lời một cách cụ thể, HĐQT chỉ cho biết sau khi được chấp thuận chủ trương sáp nhập, Sacombank sẽ tiến hành rà soát đặc biệt để cụ thể hóa cán cân lợi ích-chi phí của thương vụ cũng như định hướng hoạt động sau sáp nhập. Sacombank cũng sẽ đệ trình xin chấp thuận của NHNN để có thể hoàn tất việc sáp nhập trong năm 2014.

Tại báo cáo thị trường cung cấp cho nhà đầu tư sáng nay, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, kết quả này không nằm ngoài dự đoán khi cả hai ngân hàng đang có cùng một cổ đông lớn là ông Trầm Bê và gia đình. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các công bố chi tiết từ phía Sacombank về các bước đi của quá trình sáp nhập, VCBS nhận thấy thương vụ này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động và triển vọng lợi nhuận năm 2014 của Sacombank do hoạt động kinh doanh và chất lượng tài sản kém khả quan của NH Phương Nam.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, LNTT của Phương Nam chỉ đạt 269 tỷ đồng (giảm 10% so cùng kỳ). Trong đó, thu nhập chính đến từ hoạt động đầu tư và thu nhập khác với tỷ trọng đóng góp 80% trong khi thu nhập lãi và dịch vụ chỉ chiếm 20%. Cơ cấu thu nhập không bền vững cùng với tín dụng tăng trưởng âm 0,2% trong 9T/2013 cho thấy Phương Nam đang gặp khó khăn ở hoạt động cho vay, mảng kinh doanh chính của ngân hàng.

Theo VCBS, chất lượng tài sản cũng là một vấn đề đáng quan tâm khác khi tỷ lệ nợ xấu đến 30/9/2013 ở mức 3,97% trong khi tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng bao nợ xấu chỉ ở mức 54%. Chất lượng tài sản có thể xấu hơn khi tiền lãi và phí phải thu tăng 57% so với đầu năm, chiếm 13% tổng tài sản và 23% tổng cho vay khách hàng. Sự gia tăng mạnh của khoản phải thu này có thể do một lượng lớn nợ đã được cơ cấu lại và các khách hàng đang gặp khó khăn trong việc trả lãi.


Trong trường hợp sáp nhập, việc phải tiếp nhận lượng tài sản rủi ro từ Phương Nam sẽ làm ảnh hưởng ngay đến chất lượng tài sản của Sacombank và đẩy áp lực trích lập dự phòng lên cao - VCBS phân tích.

Triển vọng không mấy khả quan năm 2014



Đại hội đồng cổ đông của Sacombank vừa rồi cũng đã thông qua kế hoạch 2014 với LNTT ở mức 3.000 tỷ đồng trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt đạt 13% và 14%. VCBS đánh giá, các mục tiêu tăng trưởng này là hoàn toàn trong khả năng của Sacombank sau khi xét đến diễn tiến tăng trưởng trong quá khứ cũng như thế mạnh đặc thù của ngân hàng này về tín dụng thể nhân.

Với cơ sở tăng trưởng như trên cùng với mức NIM cao (dẫn đầu hệ thống trong năm 2013 và rất có thể trong cả năm 2014) thu nhập lãi của Sacombank sẽ vẫn ở mức khả quan. Thêm đó, thu nhập ngoài lãi trong năm tới sẽ tăng trưởng tốt hơn, tạo động lực mới cho lợi nhuận.

Những kỳ vọng của VCBS dựa trên việc Sacombank đã hoàn tất đóng trạng thái vàng với khoản lỗ 524 tỷ đồng đã được ghi nhận đầy đủ trong năm 2013, do đó, ngân hàng sẽ không chịu thêm rủi ro tương tự trong năm 2014. Hơn nữa, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối có thể được cải thiện hơn nhờ thế mạnh về ngoại tệ.

Ngoài ra, hoạt động dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ đẩy mạnh dịch vụ thanh toán đối với các khách hàng cá nhân, các dịch vụ thẻ và ngân hàng điện tử.

Tuy nhiên, VCBS cũng thể hiện quan ngại, triển vọng lợi nhuận của Sacombank có thể bị ảnh hưởng từ áp lực tăng chi phí dự phòng khi chất lượng tài sản có dấu hiệu xấu đi.

Trong năm 2013, Sacombank đạt lợi nhuận khả quan nhờ cắt giảm mạnh chi phí dự phòng (giảm 67% so cùng kỳ) nhưng điều này khó lặp lại trong năm 2014. Áp lực tăng chi phí dự phòng đến từ chất lượng tín dụng giảm sút do dư nợ cho vay lĩnh vực xây dựng và các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản, hai lĩnh vực có mức độ rủi ro cao, lần lượt chiếm 15% và 14,9% tổng dư nợ tín dụng.

Bên cạnh đó, các quy đinh chặt chẽ hơn về phân loại tài sản và trích lập dự phòng khi thông tư 02 được áp dụng và việc phải trích lập 20% cho 628 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC đều gây áp lực lên chi phí dự phòng.

VCBS đặc biệt lưu ý khi Sacombank sáp nhập với NH Phương Nam, chất lượng tài sản sẽ xấu đi nhanh chóng và buộc chi phí dự phòng tăng mạnh ngay trong năm 2014 để giữ nợ xấu dưới 3% như mục tiêu đặt ra. Theo đó, lợi nhuận của Sacombank hậu sáp nhập sẽ kém khả quan.

Trong năm 2014, Sacombank cũng sẽ nâng vốn điều lệ lên 13.482 tỷ đồng (tăng 8,5% so 2013) thông qua chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 10% và tăng từ cổ tức trả bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8%. Sacombank cũng sẽ sử dụng 100 triệu cổ phiếu quỹ để chia cho cổ đông hiện hữu trong năm 2014 theo tỷ lệ 10%.

Tóm lại, VCBS đánh giá cao hoạt động kinh doanh của Sacombank với những lợi thế đặc thù về ngân hàng bán lẻ và mức NIM cao, dẫn đầu hệ thống. Các mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay cho năm 2014 là hoàn toàn khả thi, và sẽ giúp thu nhập lãi tiếp tục khả quan. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng triển vọng lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng do chất lượng tài sản xấu đi buộc ngân hàng phải tăng chi phí dự phòng để giữ nợ xấu ở mức hợp lý.

Thêm nữa, thương vụ sáp nhập với NH Phương Nam, một ngân hàng có tỷ lệ sinh lời thấp và độ rủi ro tài sản cao sẽ làm chất lượng tài sản của Sacombank đi xuống nhanh hơn trong 2014 và gia tăng áp lực trích lập dự phòng. Ở mức giá 20.100, cổ phiếu STB của Sacombank đang giao dịch ở mức P/E 11,5 và P/B 1,7 cao hơn tương đối nhiều so với trung bình ngành. Với những quan ngại nói trên, VCBS không khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu STB ở thời điểm hiện tại.

Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *