Quốc tế 07/12/2013 07:06

Chứng khoán Mỹ bất ngờ bật trở lại sau số liệu việc làm tháng 11

FICA - Phố Wall tăng điểm sau 5 ngày các chỉ số đi xuống. Thị trường được cổ vũ nhờ số liệu tăng trưởng việc làm cao vượt kỳ vọng cho thấy nền kinh tế Mỹ phục hồi. Nhà đầu tư chờ đợi các số liệu này nhiều hơn là lo lắng việc Fed sẽ cắt giảm QE3.



Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng mạnh phiên cuối tuần. Chỉ số Dow Jones tăng 1,3%, S&P 500 tăng 1,1% và Nasdaq tăng 0,7%. Khoảng 5,8 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ, thấp hơn 5% so với trung bình 3 tháng.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm sau tin Bộ Lao động công bố số lượng việc làm tháng 11 tăng 203.000 người, cao hơn con số 185.000 người của các chuyên gia. Số lượng việc làm tăng, tiền lương tăng và số giờ làm việc cao hơn khiến cho người lao động Mỹ gia tăng điều kiện chi tiêu, đây cũng là dấu hiệu cho các công ty tự tin rằng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sẽ được phục hồi. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống thấp nhất 5 năm chỉ còn 7%.

Một báo cáo khác cũng mới được công bố là chi tiêu tiêu dùng Mỹ tháng 10 tăng vượt dự báo. Lượng mua sắm của các hộ gia đình, chiếm 70% nền kinh tế Mỹ, tăng 0,3% trong tháng 10, cao hơn mức tăng 0,2% tháng trước đó, thông tin được Bộ Thương mại cung cấp. Trong khi đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 12 do Thomson Reuters và đại học Michigan nghiên cứu và công bố cũng tăng mạnh từ 75,1 điểm trong tháng 11 lên 82,5 điểm. Những số liệu khả quan này cho thấy kinh tế Mỹ đã sẵn sàng cho bất cứ động thái cắt giảm kích thích nào của Cục dự trữ Liên bang (Fed).

Jim Rusell, chiến lược gia cấp cao tại ngân hàng quản lý tài sản Mỹ cho biết có vẻ như thị trường đã quen với kịch bản Fed có thể cắt giảm kích thích khi nền kinh tế mạnh hơn. Điều quan tâm lớn nhất của giới đầu tư hiện nay là các dữ liệu kinh tế vượt kỳ vọng sẽ hỗ trợ các chỉ số chứng khoán trong lúc thị trường đang đi xuống, S&P 500 trước đó giảm 5 phiên liên tiếp. Ông cho biết đã dự đoán rằng sẽ có sự biến động mạnh mẽ của các chỉ số phiên cuối tuần và kết quả có được hoàn toàn không nằm ngoài dự đoán.


Trong khi đó, giá vàng đi xuống do lo ngại nhu cầu tiêu thụ tài sản an toàn yếu đi khi lạm phát có khả năng xuống thấp. Trên sàn Comex, New York, giá vàng giao kỳ hạn tháng 2/2014 giảm 2,9 USD/oz, tương đương 0,2% xuống còn 1,229 USD/oz. Trên sàn Kitco, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc 6h55 đứng tại 1.230,7 USD/oz.

Giá vàng giao ngay trên sàn Kitco lúc 6h55 sáng nay (đường màu xanh lá cây)



Các nhà đầu tư đã bán ra trên 800 tấn vàng từ các quỹ ETF trong năm nay, đẩy lượng nắm giữ xuống thấp nhất kể từ tháng 3/2010. Tỷ phú John Paulsson, người nắm giữ nhiều cổ phần nhất của quỹ SPDR Gold Trust, quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới đã nói với khách hàng của mình rằng ông sẽ không đầu tư thêm tiền vào quỹ vàng nữa. Goldman Sachs mới đưa ra dự báo giá vàng sẽ còn xuống 1.110 USD/oz trong 12 tháng tới.

Các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tiền tệ khác giảm lượng đặt cược giá vàng tăng 5 tuần liên tiếp, theo số liệu của Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn Mỹ.

Giá dầu thô có một tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 7 nhờ những triển vọng phục hồi kinh tế Mỹ, nước tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao kỳ hạn tháng 1/2014 tại sàn Nymex tăng 0,3% lên 97,65 USD/thùng, cao nhất kể từ 29/10. Tính chung cả tuần giá dầu WTi tăng 5,3%. Dầu Brent của châu Âu phiên hôm qua cũng tăng 0,6% chốt tuần tại 111,61 USD/thùng, nâng tổng mức tăng tuần này là 1,8%. Chênh lệch giá 2 loại dầu này là 13,96 USD/thùng.

Phương Linh

Theo Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *