Đầu tư 28/01/2014 07:31

PVX thua lỗ triền miên, Thủ tướng lệnh PVN kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân

FICA - Thủ tướng yêu cầu PVN phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.

 

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Theo ghi nhận của Thủ tướng, mặc dù gặp nhiều khó khăn và thách thức, trong năm 2013, ngành dầu khí vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu trên các lĩnh vực hoạt động chính như gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu thô, khí, điện, đạm, sản xuất xăng dầu.

Tổng doanh thu PVN đạt được năm 2013 ở mức 763.000 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm, nộp ngân sách vượt 47.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được thì PVN vẫn còn một số tồn tại, nhược điểm.

Thông báo cho thấy, Thủ tướng đã yêu cầu PVN phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC – mã chứng khoán PVX).

Thủ tướng nhấn mạnh, phải xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, báo cáo Bộ Công Thương và yêu cầu Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quan sát của PV Dân trí tại các báo cáo tài chính đã được kiểm toán của PVX cho thấy, trong hai năm liền 2011 và 2012, công ty liên tục thua lỗ với mức lỗ ròng 19,1 tỷ đồng năm 2011 và 1.338,4 tỷ đồng năm 2012.

Bước sang năm 2013, công ty tiếp tục báo lỗ gần 32 tỷ đồng quý I, lỗ 1.194,45 tỷ đồng quý II và quý III mức lỗ là 173,2 tỷ đồng.

Niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ tháng 8/2009 với mức giá đóng cửa phiên đầu tiên là 27.000 đồng/cp, thế nhưng đến nay, thị giá PVX chỉ còn 3.000 đồng, tương ứng sụt giảm gần 90% giá trị.

Cổ phiếu PVX mới đây đã bất ngờ được đưa ra khỏi diện kiểm soát nhưng vẫn đang nằm trong dạng bị cảnh báo. Hiện tại, PVN đang nắm giữ 218,17 triệu cổ phần tại PVX, chiếm tỷ lệ 54,54 vốn điều lệ công ty này. 

Cổ phần hoá và giảm tỷ lệ vốn góp tại các doanh nghiệp thành viên

Cũng theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, bước sang 2014, Thủ tướng yêu cầu PVN phải phấn đấu đạt mức cao hơn năm 2013 trên cả 5 lĩnh vực hoạt động chính, trong đó lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí là cốt lõi.

Thủ tướng chỉ đạo PVN phải tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí trong nước tại các vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, vùng sâu, vùng xa. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, “đây là nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn”, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Việc đầu tư tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài tại các vùng, khu vực (đã được chọn lựa kỹ) tiếp tục triển khai với nguyên tắc thận trọng bảo đảm hiệu quả, an toàn vốn đầu tư.

Đối với lĩnh vực lọc hóa dầu, PVN được giao đẩy nhanh việc cổ phần hóa Nhà máy lọc dầu Dung Quất theo 2 phương án. Đàm phán với đối tác Nga tham gia góp vốn hoặc tự đầu tư nâng công suất lọc dầu lên 10 triệu tấn/năm để nâng cao hiệu quả dự án.

Song song với đó, PVN phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn và triển hai các dự án trong lĩnh vực chế biến dầu khí khác theo Quy hoạch phát triển ngành dầu khí.

Đáng chú ý, Thủ tướng cũng giao cho PVN trong năm 2014 triển khai xây dựng Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng phát triển đến năm 2035, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc rà soát, sửa đổi bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp quy nhằm tách bạch chức năng nhiệm vụ công ích và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn phải khẩn trương thực hiện có hiệu quả việc tái cấu trúc, trong đó, một giải pháp trọng tâm là cổ phần hoá và giảm tỷ lệ vốn góp của Tập đoàn tại các doanh nghiệp thành viên.

Theo  đó, PVN phải triển khai cổ phần hoá các đơn vị: Công ty lọc dầu Bình Sơn, Công ty Dịch vụ Tàu thủy Dung quất, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí, chỉ giữ lại Công ty mẹ−Tập đoàn và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí. Đối với đầu tư ngoài ngành cần phải tính toán kỹ để việc thoái vốn có hiệu quả, gắn liền với tái cơ cấu.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *