Quốc tế 06/09/2019 23:00

“Chảy máu chất xám”: Một khái niệm đã lỗi thời?

Một bài viết của Elisabetta Gentile trên trang blog của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã giải thích tại sao nhận thức cho rằng sự di cư của lao động có kỹ năng nghề làm tổn hại nguồn lực quốc gia là sai lầm.

Bà Elisabetta cho biết, “chảy máu chất xám” là một giả định vô căn cứ, quy việc di cư của lao động có kỹ năng nghề thành một trò chơi có tổng bằng 0, trong đó một quốc gia “giành được” nguồn chất xám “bị chảy ra” từ nước khác.

Theo bà, các quốc gia Đông Nam Á – cả nơi cử đi và nơi tiếp nhận – cần xóa bỏ ý tưởng lạc hậu này, thay vào đó nhìn nhận sự di chuyển của lao động có kỹ năng nghề như là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế. Bằng cách đưa ra những chính sách phù hợp, các quốc gia ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có thể tối đa hóa lợi ích từ lực lượng lao động trẻ, năng động và lành nghề của mình.

Ảnh minh hoạ

Tác giả bài Blog đã đưa ra 3 lý do để khẳng định cho lập luận: Nhận thức cho rằng sự di cư của lao động có kỹ năng nghề làm tổn hại nguồn lực quốc gia là sai lầm:

Thứ nhất, nguồn cung lao động có kỹ năng nghề là không cố định; người lao động đáp ứng các cơ hội của thị trường lao động bằng cách tích lũy ngày càng nhiều kỹ năng khác nhau, và khả năng di cư bản thân nó đã là một động lực mạnh mẽ để các cá nhân đầu tư vào vốn con người.

Thứ hai, không phải tất cả mọi người có được những kỹ năng mới với dự định di cư đều thành công. Thứ ba, những người đã di cư không phải là “mất đi”: khi trở về, họ mang về nhà những ý tưởng, kỹ năng và nguồn lực tài chính mới. Ngay cả khi không trở về, họ cũng hình thành những mạng lưới cộng đồng di cư, giúp mở ra cánh cửa đến với các cơ hội kinh doanh, thương mại và các thị trường lao động toàn cầu.

Vào năm 1993, chính phủ Anh đã chuyển sang áp dụng một chính sách dựa trên nền tảng giáo dục chọn lọc hơn để tuyển dụng những người quốc tịch Nê-pan làm việc trong quân đội Anh. Do đây là cơ hội nghề nghiệp lương cao ở nước ngoài đối với nam giới Nê-pan, ngày càng nhiều người trong số họ đáp ứng sự thay đổi chính sách này bằng cách hoàn thành bậc trung học. Tuy nhiên, số người được tuyển dụng mỗi năm không thay đổi: một lần nữa, kết quả là sự gia tăng nguồn vốn con người, được phản ánh trong những cải thiện về chất lượng việc làm và mức lương.

Trong giai đoạn 2000-2007, Hoa Kỳ đã mở rộng đáng kể hạn mức visa cho các điều dưỡng viên di cư và gia đình của họ. Kết quả là, số lượng điều dưỡng viên tốt nghiệp ở Phi-líp-pin – quốc gia xuất khẩu số lượng điều dưỡng viên lớn nhất trên thế giới – đã gia tăng từ 9.000 lên tới 70.000 người, và không phải tất cả trong số họ đều có thể di cư tới Hoa Kỳ, dẫn tới sự gia tăng ròng trong nguồn cung điều dưỡng viên tại Phi-líp-pin.

Nghiên cứu cho thấy rằng lao động có kỹ năng nghề giúp thúc đẩy các nền kinh tế của quốc gia nơi họ chuyển đến bằng cách gia tăng lực lượng lao động, lấp vào khoảng thiếu hụt trong những ngành nghề hoặc công việc cụ thể, góp phần vào những sáng tạo mới, và khởi nghiệp kinh doanh. Nhưng điều quan trọng là cần nhận thức được rằng họ cũng tác động tới các cơ hội của quốc gia quê hương mình. Tác động này là gì sẽ phụ thuộc vào khả năng thay thế nguồn lực giữa hai nhóm.

Ví dụ, các kỹ năng phân tích - toán học sẽ dễ dàng chuyển giao giữa các quốc gia hơn là các kỹ năng quản lý và truyền thông, vốn mang đặc trưng quốc gia và dấu ấn văn hóa nhiều hơn. Không phải ngẫu nhiên mà lao động di cư có xu hướng tập trung nhiều hơn trong các ngành nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng phân tích - toán học.

Người lao động bản xứ sẽ đáp ứng bằng cách chuyển sang những kỹ năng bổ sung cho các kỹ năng được cung cấp bởi người lao động di cư, ví dụ như kỹ năng quản lý và truyền thông, mà họ có lợi thế so sánh. Sự dịch chuyển này sẽ làm tăng tính bổ sung và giảm sự cạnh tranh giữa người di cư và người dân bản địa.

Ý niệm “chảy máu chất xám” đã lỗi thời

Sự bùng nổ của mạng Internet vào giữa thập niên 1990 đã dẫn tới sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu đối với các nhà khoa học máy tính tại Hoa Kỳ. Cũng giống như trong các ví dụ trước, triển vọng di cư đã làm gia tăng lực lượng lao động trong ngành khoa học máy tính tại Ấn Độ, và giúp tăng tổng sản lượng công nghệ thông tin (CNTT) của Ấn Độ lên 5%.

Ngược lại, ở Hoa Kỳ, người lao động rời bỏ lĩnh vực này, dẫn tới mức giảm 9% lực lượng lao động bản xứ trong ngành khoa học máy tính. Người tiêu dùng ở cả hai quốc gia đều được hưởng lợi từ tổng sản lượng CNTT lớn hơn, dẫn tới giá thành thấp hơn của các sản phẩm CNTT.

Thu nhập chung của cả hai nước tăng 0.36% nhờ dòng di cư các chuyên gia CNTT từ Ấn Độ sang Hoa Kỳ. Những lao động trong lĩnh vực khoa học máy tính không di cư được sang Hoa Kỳ đã gia nhập ngành CNTT đang gia tăng nhanh chóng tại Ấn Độ, và tới đầu thập niên 2000, những người di cư đã trở về với các kỹ năng và mạng lưới kết nối mới. Điều này đã đưa cuộc cách mạng bùng nổ do Hoa Kỳ dẫn dắt sang Ấn Độ, và tới giữa thập niên 2000, Ấn Độ đã vượt Hoa Kỳ trong xuất khẩu phần mềm.

Không có lý do tại sao công thức thành công này không thể được lặp lại trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nếu nó tận dụng tối đa lợi thế của sự dịch chuyển kỹ năng. Hiện tại, khu vực ASEAN đang dựa vào các Thỏa thuận Công nhận lẫn nhau về nghề nghiệp (MRA), bao quát tám lĩnh vực nghề được quy định (kế toán, kiến trúc, nha khoa, kỹ thuật, y khoa, điều dưỡng, khảo sát, và du lịch).

Nhưng định nghĩa về “lao động có kỹ năng nghề” luôn luôn biến động. Nó không còn gắn kết chặt chẽ với các nghề nghiệp chuyên môn được quy định, và ngày càng liên quan tới các công việc trong lĩnh vực dạy nghề. Một khuôn khổ hiệu quả cho sự dịch chuyển kỹ năng phải đủ linh hoạt để đáp ứng nhanh chóng những nhu cầu của thị trường lao động.

Để một khung dịch chuyển kỹ năng bất kỳ có thể hoạt động tốt, các quốc gia ASEAN phải xóa bỏ rất nhiều rào cản về kỹ thuật và chính trị – cả ở cấp quốc gia và khu vực – đang kìm hãm khả năng của lao động có kỹ năng nghề trong việc di chuyển nội vùng và làm những công việc mà họ được đào tạo.

Những rào cản này bao gồm các yêu cầu pháp lý phức tạp đối với chủ lao động, các tiêu chuẩn ngặt nghèo về chuyển đổi bằng cấp và chứng chỉ đào tạo, thiếu khả năng mang theo các lợi ích an sinh xã hội, và các quy định hạn chế nhập cư. Việc xây dựng các tiêu chuẩn chung của khu vực để điều tiết nhiều ngành nghề khác nhau cũng sẽ giúp xóa bỏ rào cản kỹ thuật đối với sự dịch chuyển kỹ năng.  

Hiện tại, công dân của các quốc gia thành viên ASEAN không được hưởng quy chế ưu tiên khi nộp đơn xin thị thực làm việc ở các quốc gia ASEAN khác, và họ có thể nhận thấy việc di cư tới các nước OECD hoặc các nước Vùng Vịnh là dễ hơn. Việc triển khai một hệ thống ưu đãi nhập cư dựa trên việc làm cho các công dân ASEAN sẽ giúp giữ lại nhiều người tài hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu giữa chủ lao động - người lao động, và thúc đẩy năng suất bên trong khu vực. 

Những rào cản đang cản trở sự dịch chuyển kỹ năng bên trong ASEAN cũng lạc hậu như ý niệm về chảy máu chất xám. Khi chúng được dỡ bỏ, tiềm năng to lớn của đội ngũ lao động trẻ tài năng trong khu vực cũng sẽ được giải phóng - với những lợi ích làm thay đổi cuộc sống có tác động lâu dài cho nhiều thế hệ.

Mai Chi

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *