Quốc tế 28/01/2015 10:52

Châu Phi sẽ tăng trưởng mạnh trong 2015

FICA – Liên Hợp quốc dự báo, tăng trưởng GDP của châu Phi sẽ đạt 4,6% trong năm 2015 ( so với 3,5% năm trước đó), song châu lục này vẫn sẽ phải đối mặt với những rủi ro khi giá dầu giảm, dịch Ebola...

Dẫn báo cáo của Liên hợp quốc về tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2015, Thương vụ Việt Nam tại Maroc cho biết, mức tăng trưởng GDP của châu Phi được dự báo sẽ tăng từ mức 3,5% năm 2014 lên 4,6 % năm 2015 và đạt 4,9% năm 2016.

Sự thịnh vượng của tầng lớp trung lưu, cơ cấu kinh tế được cải thiện và việc giảm các chi phí kinh doanh là những yếu tố cơ bản góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của các nước Châu Phi.

Trong năm tiểu vùng của châu lục thì khu vực Đông Phi, theo dự báo, sẽ đạt mức tăng trưởng khá nhất, đạt 6,8% năm 2015 và 6,6% năm 2016. Khu vực Bắc Phi và Nam Phi sẽ đạt mức tăng trưởng khá hơn 2014; mức tăng trưởng năm 2015 đạt lần lượt là 3,9% và 3,6% (so với mức chỉ đạt được là 1,6% và 2,9% năm 2014). Triển vọng tăng trưởng khá nhanh của khu vực Bắc Phi gắn liền với tình hình chính trị ổn định trở lại của Ai cập và Tunisie.

Khu vực Tây Phi và Trung Phi sẽ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn hơn, từ mức đạt được lần lượt năm 2014 là 4,3% và 5,9% lên mức 4,7% và 6,2% năm 2015; do bất ổn về chính trị và khủng bố tại một số nước thuộc khu vực này như Nigeria, Mali và Trung Phi cộng với dịch Ebola tại Tây Phi đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng chung của khu vực này.

Châu Phi trước nguy cơ “chảy máu” ngoại tệ

Bản báo cáo cũng cảnh báo việc tăng trưởng kinh tế khu vực châu Phi sẽ đối diện với một số rủi ro, thách thức; trong đó phải kể đến việc giảm giá dầu, giảm giá một số nguyên liệu, dịch Ebola tại khu vực Tây Phi, sự suy giảm ở một số thị trường các nước đang phát triển, sự bất ổn chính trị tại một số khu vực và có thể một số khó khăn bất thường liên quan đến khi hậu…

Giai đoạn giá dầu giảm kéo dài; các nền kinh tế của các nước phát triển chưa hồi phục; nhu cầu về nguyên liệu của Trung quốc tiếp tục giảm đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu về thương mại của châu lục.

Việc thắt chặt các điều kiện tài chính thế giới tại các nước phát triển như Hoa Kỳ có thể dẫn đến việc thoái vốn ở lĩnh vực tư nhân và chảy ngoại tệ ra khỏi khu vực. Ngoài ra, dịch Ebola đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nhân lực cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại hàng hóa và dịch vụ của các nước như Cộng hòa Ghi nê, Liberia và Sierra Leon (ba nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Ebola). Nếu như nạn dịch này không được kiềm chế thì nó sẽ là rủi ro lớn ảnh hưởng đến tăng trưởng của khu vực Tây Phi.

Lạm phát khu vực châu Phi dự báo duy trì ở mức 6,9% năm 2015 và giảm nhẹ xuống mức 6,7% năm 2016. Từ mức đỉnh năm 2012, lạm phát khu vực này đã giảm nhờ giảm giá các sản phẩm cơ bản trên thị trường thế giới, giảm giá lương thực, dầu ăn và các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu cùng với các chính sách tiền tệ thận trọng của khu vực.

Các nước nhập khẩu dầu là những nước được hưởng lợi từ việc giảm giá dầu và các nguyên liệu khác. Trong khi đó các nước xuất khẩu dầu như Nigeria tiếp tục chịu mức lạm phát cao năm 2014 là 8,1% và 8,5% năm 2015. Các nước giàu khoáng sản như Sierra Leon và Zambia thì mức lạm phát sẽ giảm nhẹ. Khu vực Trung Phi sẽ có mức lạm phát thấp nhất, chủ yếu là do đa phần các nước khu vực này đã neo tiền tệ của mình với đồng Euro. Khu vực Nam Phi, dự báo mức lạm phát giảm từ 6,2% năm 2014 xuống 6,0% năm 2015. Khu vực Bắc Phi từ 7,5 năm 2014 xuống 7,2% năm 2015. Khu vực Tây Phi là khu vực có mức lạm phát cao nhất (8,8%) năm 2015.

Bích Diệp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *