Quốc tế 10/09/2015 13:44

Chanos, người đặt cược kinh tế Trung Quốc sa sút từ 2009

Nhà đầu cơ bán khống nổi tiếng Jim Chanos đã đặt cược lớn vào sự sa sút của kinh tế Trung Quốc từ năm 2009. Trong một cuộc trao đổi mới đây với nhà báo chuyên mục op-ed Joe Nocera của tờ New York Times, Chanos đã thuật lại khoảnh khắc mà ông nhận thấy kinh tế Trung Quốc sẽ gặp vấn đề lớn.

Vào mùa thu năm 2009, Chanos bắt đầu đặt ra những câu hỏi về nền kinh tế Trung Quốc. 

Điều khiến ông nảy sinh sự tò mò là việc nhiều công ty sản xuất hàng hóa cơ bản của Trung Quốc hầu như không “hề hấn” gì sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thậm chí, các công ty này còn báo lãi lớn, trong khi các ngành khác bị cuộc khủng hoảng làm cho khốn đốn.

Tiên đoán kiểu Chanos

Đi tìm nguyên nhân của vấn đề, Chanos phát hiện ra cơn khát hàng hóa cơ bản của Trung Quốc. Vẫn “khỏe” sau khủng hoảng tài chính, Trung Quốc ở thời điểm đó mua 40% khối lượng đồng xuất khẩu của toàn thế giới, 50% lượng quặng sắt được khai thác, và khối lượng “khủng” hàng loạt mặt hàng khác. 

Điều này dẫn Channos tới một đánh giá mạo hiểm ở thời điểm năm 2009: Trung Quốc đang ở giữa một bong bóng tín dụng không bền vững.

Cần phải nói thêm rằng, cách đây khoảng 15 năm, Chanos - sáng lập viên quỹ đầu cơ chuyên bán không Kinikos Associates có quy mô 3 tỷ USD - chính là người đầu tiên nhìn thấy trước sự sụp đổ của tập đoàn Enron. Với dự báo đó, Chanos đã bán khống cổ phiếu Enron, kiếm được một khoản kha khá và trở nên nổi tiếng. 

Các nhà đầu cơ bán khống kiếm lời khi tài sản đó mất giá, và ngược lại, sẽ thua lỗ nếu tài sản đó tăng giá.

Tại Kynikos, Chanos và các đồng sự của ông không dựa trên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế để ra quyết định đầu cơ. Thay vào đó, phong cách của họ nghiên về “vi mô”: phân tích các yếu tố cơ bản của các công ty riêng lẻ hoặc ngành riêng lẻ. Với Trung Quốc, Chanos cũng áp dụng cách làm tương tự.

“Tôi sẽ không bao giờ quên được ngày đó vào năm 2009, khi một anh chàng chuyên về mảng bất động sản thuyết trình với tôi. Anh ta nói Trung Quốc có 5,6 tỷ mét vuông bất động sản đang được xây dựng, một nửa là nhà ở, một nửa là bất động sản thương mại”, Chanos nhớ lại.

“Tôi đặt câu hỏi: “Chắc là anh đang định nói 5,6 tỷ foot vuông chứ?” (1 foot vuông tương đương khoảng 0,093 mét vuông).

Người kia đáp rằng mình không hề nhầm lẫn, rằng đó đúng là 5,6 tỷ mét vuông, tương đương khoảng 60 tỷ foot vuông.

Đối với Chanos, đó chính là khoảnh khắc “bóng đèn bật sáng”. 

Tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế Trung Quốc được duy trì không chỉ bởi sức mạnh xuất khẩu, mà còn bởi một bong bóng bất động sản được bơm to nhờ núi nợ khổng lồ. Bong bóng này còn được khích lệ bởi Chính phủ Trung Quốc như một phần trong chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm giữ tốc độ tăng trưởng ở mức cao. (Theo số liệu của McKinsey Global Institute, tổng mức nợ hiện nay ở Trung Quốc là 28 nghìn tỷ USD).

Nhật Bản 1989, Trung Quốc 2009

Chanos đã nhanh chóng công bố những đánh giá của mình trên các kênh truyền thông lớn. Ông nói rằng tình trạng đầu cơ bất động sản ở Trung Quốc đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, nền kinh tế nước này có mức độ phụ thuộc lớn vào ngành xây dựng, và trong hầu hết các trường hợp, dự án được xây dựng không có cơ hội tạo ra đủ thu nhập để trả nợ. 

Chanos kết luận: Trung Quốc đang “trên một băng chuyền dẫn tới địa ngục”.

Nhà đầu cơ này còn chỉ ra rằng, phần lớn các dự án bất động sản ở Trung Quốc là các dự án căn hộ cao cấp, có giá trên 100.000 USD mỗi căn, trong khi một hộ gia đình trung bình ở nước này kiếm được chưa đầy 10.000 USD mỗi năm.

Những đánh giá này của Chanos ngay lập tức vấp phải thái độ xem thường của những nhà đầu tư lừng lẫy. 

“Thật là thú vị khi một số người cách đây 10 năm không đánh vần nổi từ Trung Quốc, nay lại trở thành chuyên gia về Trung Quốc. Trung Quốc chẳng hề bong bóng tí nào”, nhà đầu tư nổi tiếng Jim Rogers nói với New York Times.

Vào thời điểm đó, thế giới cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, và các nhà lãnh đạo nước này sẽ có sự điều chỉnh nhanh chóng nếu nền kinh tế bắt đầu trượt dốc.

Nhưng Chanos không tin như vậy. “Tôi nhớ lại thời điểm năm 1989 khi mọi người ca ngợi mô hình Nhật Bản, cũng giống như mọi người nói về Trung Quốc vào năm 2009”, ông nói.

Rốt cục, tăng trưởng của Trung Quốc bắt đầu giảm tốc ngay khi Chanos bắt đầu ra quyết định đầu cơ đầu tiên dựa trên đánh giá của ông về nền kinh tế này. 

Khi đó, hầu hết các chuyên gia về Trung Quốc vẫn tỏ ra lạc quan. Nhưng Chanos vẫn bán khống cổ phiếu của một số công ty phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ông cũng đều đặn gửi e-mail khi đọc được những bài báo minh chứng cho đánh giá của ông: những câu chuyện về các “thành phố ma” mới xây ở Trung Quốc, những ngân hàng Trung Quốc gặp khó, và những doanh nghiệp quốc doanh oằn lưng gánh nợ ở nước này.

Hiện nay, khi thị trường toàn cầu trải qua những phen rúng động, những 

gì Chanos lường trước đã được minh chứng là đúng. 

Nỗi lo mang tên Trung Quốc chính là nguyên nhân quan trọng nhất khiến chứng khoán thế giới chao đảo trong tháng 8. Nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc mạnh, thị trường chứng khoán nước này suy sụp, và Chính phủ Trung Quốc tỏ rõ sự luống cuống trong nỗ lực “chữa cháy”. Sự mất mát niềm tin vào Trung Quốc và các nhà lãnh đạo nước này đã khiến giới đầu tư toàn cầu hoảng loạn.

 

Theo An Huy

VnEconomy

  •  


 

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *