Quốc tế 26/09/2014 10:53

CEO ngoại “biến mất” ngày càng nhiều

Mới đây, Công ty giày của Đức Ultrasonic đã thông báo rằng, họ không thể liên lạc được với giám đốc điều hành Qingyong Wu và giám đốc tác nghiệp Minghong Wu của hãng.

Theo giám đốc tài chính (CFO) Chi Kwong Clifford Chan, hầu hết các quỹ tiền mặt của công ty đã bị chuyển giao và không còn trong phạm vi ảnh hưởng của công ty nữa. Nói trắng ra là số tiền trên đã biến mất.


Ceo Russell Wasendorf Công ty chứng khoán PFGBest biến mất cùng với 215 triệu USD

Khi thông tin động trời này được công bố, giá cổ phiếu của Ultrasonic trên TTCK Frankfurt Stock Exchange đã rơi xuống đến 76% vào ngày 23/9. Tình hình của công ty sản xuất giày Ultrasonic mấy ngày nay có thể xem là rắn đã mất đầu khi người đứng đầu duy nhất còn lại cũng đã từ chức. Điều này gây ra những thiệt hại nặng nề cho người lao động.

Không những thế, Chính phủ Đức cũng thất thu một khoản ngân sách không nhỏ khi không thể đòi được những khoản nợ thuế, tiền thuê đất, phí hạ tầng, còn ngân hàng cũng phải gánh những khoản nợ không biết đòi ai...

Theo Google Finance, vốn thị trường của Ultrasonic là 91 triệu USD. Đây là một công ty sản xuất giày Trung Quốc có trụ sở ở Đức. Công ty này nắm giữ 100% cổ phần của Công ty Ultrasonic Outdoorwear Holdings ở Hong Kong. Sau vụ việc này, người ta khám phá ra rằng Ultrasonic có một hệ thống rất mập mờ các công ty con tại Trung Quốc.

Xu hướng lãnh đạo các công ty nước ngoài bỏ trốn cùng tiền mặt theo nhận định của nhiều chuyên gia, nó diễn ra ngày càng nhiều, không chỉ mang tính riêng lẻ mà còn mang tính dây chuyền với nhiều hình thức rất tinh vi.

Đơn cử, cách đây không lâu, Russell Wasendorf, lãnh đạo Công ty môi giới chứng khoán PFGBest cũng làm cho TTCK nước này một phen điêu đứng khi thừa nhận với FBI đã lấy cắp gần 215 triệu USD từ 13 ngàn nhà đầu tư bằng thủ thuật rút 250 ngàn USD từ tiền của công ty bằng các tài khoản của một ngân hàng bên ngoài. Wasendorf đã che giấu hành vi của mình nhờ vào việc làm giả một bản kê in sẵn của ngân hàng với một cái máy photocopy và phần mềm máy tính. Việc làm ấy đã kéo dài hơn 20 năm mới bị phát hiện, mất mát của công ty được ước tính trong khoảng thời gian ấy là 10 triệu USD.

Tại Việt Nam, tình trạng DN đầu tư nước ngoài vắng chủ đã xuất hiện từ nhiều năm nay và ngày càng phổ biến. Cách đây 1 tháng, ông Harald Biebl (người Áo) là lãnh đạo Công ty Bách Hợp hiện có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh đã bỏ trốn để lại hàng trăm công nhân với món nợ thuế, bảo hiểm đã góp phần tô thêm nét tối về bức tranh nhà đầu tư ngoại. Ngoài ra, hàng ngàn DN đối tác khác cũng bị rơi vào thế kẹt khi các chủ DN đầu tư nước ngoài ôm nợ bỏ trốn.

Được biết kể từ tháng 6 công ty này đã có dấu hiệu nghi vấn khi tình hình hoạt động không mấy khả quan, tài chính công ty thậm chí còn không đủ để duy trì hoạt động.

Có thể dễ dàng nhận thấy, đây không phải là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam. Riêng năm 2013, gần 700 lãnh đạo DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ lại tài sản và toàn bộ các nghĩa vụ tài chính với tổng số vốn hơn 903 triệu USD mà không có bất kỳ một thông báo nào. Sự việc diễn ra thường xuyên, nhưng có thể thấy rằng, đến nay, các cơ quan quản lý vẫn tỏ ra lúng túng trong việc xử lý và giải quyết.

Nhiều chuyên gia nhận định, đối với những DN có yếu tố ngoại, khi đầu tư vào các nước khác, họ đã rất thông minh trong việc lợi dụng những kẽ hở về pháp lý như chính sách ưu đãi thuế để có thể dễ dàng “rút êm” sau khi đã kiếm trác đủ.

Nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng DN FDI bỏ trốn, có thể thấy, phần lớn là do tác động của suy thoái kinh tế, DN làm ăn thua lỗ, không còn khả năng trả nợ nên chủ DN âm thầm bỏ trốn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp lãnh đạo các công ty ôm tiền trục lợi cá nhân mang tính chất lừa đảo.

Thực tế, việc giải quyết hậu quả mà các DN đầu tư nước ngoài bỏ trốn để lại đang gặp nhiều khó khăn. Trường hợp Ultrasonic, Chính phủ Đức cũng chưa đưa ra phương án giải quyết. Tuy nhiên, thông tin từ cơ quan quản lý nước này cho biết sẽ phải rà soát lại Luật Đầu tư. Bởi khó khăn nhất là đa số các DN bỏ trốn rồi thì tài sản để lại cũng chẳng còn gì. “Khi đưa ra được những quy định quản lý thì các quy định mới có hiệu lực ngay lập tức này sẽ giúp xóa bỏ các lợi thế phi pháp về vấn đề đóng thuế kinh doanh nảy sinh từ các kẽ hổng pháp lý liên quan tới vấn quản lý nhân sự DN.

Ngoài ra, những quyết định mới này cũng sẽ khiến cho việc đầu tư trong tương lai khó thực hiện hơn”, một nguồn tin từ truyền thông Đức đưa ra.

Tại Việt Nam cũng vậy, tính tới thời điểm này, các cơ quan quản lý cũng chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn nên hiện mỗi địa phương đều tự mò mẫm thực hiện theo cách riêng.

Trên văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa có một từ nào nói đến lãnh đạo DN bỏ trốn là như thế nào. Và khi lãnh đạo DN bỏ trốn thì những giải pháp xử lý đền bù thiệt hại cho những bên liên quan như thế nào? Hiện nay mỗi địa phương tùy nghi ứng xử với nó…

Tuy nhiên, từ hàng loạt các vụ việc lãnh đạo DN nước ngoài bỏ trốn ở các nước trên thế giới và tại Việt Nam. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng đã rút ra bài học kinh nghiệm đó là đa phần ông chủ ngoại sang Việt Nam kinh doanh. Đến khi thua lỗ thì vẫn duy trì sự hoạt động của công ty với mục đích qua mắt cơ quan chức năng, còn chủ thì âm thầm “rút êm” về nước là chuyện khó có thể để tồn tại lâu dài.

Theo Bơ Võ

Thời báo ngân hàng

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *