Quốc tế 18/09/2015 13:32

Câu chuyện đằng sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed

Ngày 17/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khép lại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vừa qua với tuyên bố giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức gần 0%, giữa bối cảnh xuất hiện thêm quan ngại về nền kinh tế toàn cầu, những biến động của thị trường tài chính cũng như tỷ lệ lạm phát thấp của kinh tế Mỹ.


Một người đàn ông đang mua hàng tại một siêu thị ở Mỹ. (Nguồn: AP)

Một người đàn ông đang mua hàng tại một siêu thị ở Mỹ. (Nguồn: AP)

Tuyên bố kết thúc cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) có đoạn: "Những diễn biến tài chính toàn cầu gần đây có thể cản trở hoạt động kinh tế và có nguy cơ gây sức ép khiến lạm phát của Mỹ giảm trong ngắn hạn."

Trong khi đó, phát biểu sau khi công bố quyết định trên, Chủ tịch Fed Janet Yellen cho biết FOMC cần có thêm thời gian để đánh giá những điều kiện kinh tế, song khẳng định Fed có thể sẽ tăng lãi suất trong năm nay và một đợt tăng vào tháng 10 tới vẫn là phương án được cân nhắc.

Giới phân tích hầu như không bất ngờ trước quyết định của Fed, mặc dù trước đó nhiều người đã dự đoán Fed sẽ có quyết định ngược lại.

Chuyên gia kinh tế của Công ty Markit Chris Williamson nhận định rằng mặc dù nền kinh tế Mỹ có vẻ đang khá lành mạnh, song những quan ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại của những nền kinh tế khác, đặc biệt là Trung Quốc, cũng như sự hỗn loạn gần đây trên thị trường tài chính khiến Fed cho rằng giờ không phải là thời điểm thích hợp để tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên qua.

Tuy nhiên, quyết định giữ nguyên lãi suất khiến chính sách tài chính của Mỹ trở nên không rõ ràng và điều này chắc chắn sẽ gây ra những biến động mạnh hơn trên thị trường toàn cầu.

Dưới đây là một số nhân tố khiến Fed gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định về lãi suất:

Số việc làm ở Mỹ rõ ràng đã tăng mạnh trong năm nay. Nền kinh tế đã bổ sung được trung bình mỗi tháng 247.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 5,1% - mức mà nhiều nhà kinh tế trong quá khứ cho là thể hiện tình trạng "đủ việc làm."

Song tốc độ tăng trưởng việc làm đã chậm lại đôi chút trong mùa Hè vừa qua và một số "điểm tối" trên bức tranh việc làm vẫn tồn tại. Tỷ lệ người Mỹ tham gia thị trường lao động, hay còn gọi là tỷ lệ phần trăm người Mỹ đang làm việc hoặc tích cực tìm việc, đang ở mức thấp nhất trong bốn thập niên qua. Tình trạng này một phần là do thế hệ được sinh ra vào thời kỳ bùng nổ dân số đã đến tuổi rút khỏi thị trường lao động.

Trong khi đó, thu nhập của người lao động vẫn chưa tăng, do đó dù đã bước sang năm thứ sáu kinh tế phục hồi, khiến hầu hết người dân Mỹ chưa thể yên tâm.

Theo Chỉ số chi phí lao động (ECI) mới nhất, do Bộ Lao động Mỹ công bố hồi tháng Bảy vừa qu, lương của người Mỹ đã tăng 2,1% trong vòng 12 tháng qua. Tuy nhiên, tin tức từ Dự án Lao động Quốc gia (NELP) lại cho rằng nếu tính theo lạm phát, mức lương trên thực tế của lao động Mỹ đã giảm liên tục từ năm 2009 và những người lao động thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều hơn cả.

Lạm phát là vấn đề mà Fed quan ngại nhất. Chỉ số giá tiêu dùng là thước đo mà Fed thường căn cứ để đánh giá lạm phát đã tăng 1,24% trong tháng Bảy vừa qua, ít hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Fed lưu ý rằng lạm phát cao khiến người dân khó có thể đưa ra những quyết định tài chính và kinh tế về lâu dài. Song ngược lại, lạm phát quá thấp sẽ có nguy cơ dẫn đến giảm phát.

Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP của Mỹ đã có xu hướng khởi sắc sau sự khởi đầu ảm đạm hồi đầu năm nay, với mức tăng 3,7% trong quý 2 vừa qua và đang trên đà hướng tới mức tăng trưởng vào khoảng 2,5% trong quý 3 này.

Song nếu nhìn lại về thời điểm gần nhất Fed tăng lãi suất, khoảng thời kỳ năm 2004-2006, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới là trên 4%. Điều này cho thấy "sức khỏe" của nền kinh tế Mỹ vẫn còn khá mong manh và chưa phục hồi hoàn toàn.

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng nếu Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, các nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với hàng loạt rủi ro liên quan tới nguy cơ chảy một lượng lớn tiền vốn ra nước ngoài.

Theo WB, các nước đang phát triển nên chuẩn bị sẵn phương án ứng phó với tình hình bấp bênh trên thị trường tài chính quốc tế. Còn Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) hối thúc Fed cần hành động thận trọng và đưa ra các kế hoạch chính sách rõ ràng.

Phản ứng trước quyết định trên của Fed, vào cuối buổi chiều 17/9 (giờ New York), chỉ số đồng USD xuống mức thấp nhất ba tuần, trong khi thị trường chứng khoán Mỹ cũng đồng loạt giảm điểm, đặc biệt là các mã cổ phiếu ngân hàng./.

Theo Nga - Trang
TTXVN/Vietnam+

 
 
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *