Quốc tế 24/01/2014 16:25

Các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các nước đang phát triển

FICA - Các nhà đầu tư đã bán tháo các loại tiền tệ của các thị trường mới nổi, thể hiện rõ sự lo ngại ngày càng tăng về sự chống đỡ yếu ớt của các nước đang phát triển đối với sự tăng trưởng không đồng đều.



Đồng Peso của Argentina đã giảm hơn 15% so với đồng USD trong đầu phiên giao dịch hôm nay sau khi Ngân hàng Trung ương nước này thể hiện những nỗ lực để bảo vệ giá trị đồng tiền này. Đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD ngày thứ 9 liên tiếp. Đồng rúp Nga và đồng rand của Nam Phi tụt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. 


Chứng khoán Mỹ giảm điểmcho thấy tình trạng các nhà đầu tư trên khắp thế giới đang rút vốn ồ ạt ra khỏi các tài sản rủi ro và tiếp tục “vật lộn “để giành lại được đà tăng điểm từng có vào cuối năm 2013. Chỉ số Dow Jones giảm 175,99 điểm, tương đương giảm 1,1%, xuống mức 16.197,35, mức thấp nhất kể từ ngày 19/12/2013.


Thị trường chứng khoán châu Á cũng giảm điểm trong đầu phiên giao dịch ngày hôm nay, với thị trường Nhật Bản giảm 1,5% và thị trường Hàn Quốc giảm 0,7%.


Sự sụt giảm tại các thị trường mới nổi phản ánh những lo ngại về những nguyên nhân bên ngoài, ví dụ như sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ, những nỗ lực của Trung Quốc trong việc định hướng lại nền kinh tế mâu thuẫn với các vấn đề chính trị và căng thẳng kinh tế trong nước.


Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc bắt nguồn từ những vụ bê bối tham nhũng. Trong khi đó, lãnh đạo của Nam Phi bị chỉ trích gay gắt vì sự thất bại trong việc giúp người dân thoát khỏi đói nghèo suốt 2 thập kỷ qua. Kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 2002, Argentina đã phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao và uy tín quốc tế suy giảm.


Theo số liệu được thông báo vào ngày 23/1/2014, chỉ số sản xuất PMI của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng. Tình trạng suy thoái ở Trung Quốc có thể làm tăng thêm những khó khăn cho những đối tác thương mại của nước này như Nam Phi và Brazil. Trong năm 2013, các nhà đầu tư đã rút 58,7 tỷ USD tiền mặt ra khỏi các nước đang phát triển.


Thêm vào đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tiếp tục giảm bớt quy mô chương trình mua trái phiếu vào tuần tới. Nhiều nhà đầu tư dự đoán rằng sự thay đổi này sẽ làm ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư vào các tài sản thị trường mới nổi vốn đã được kích thích bởi chương trình này. Hành động này của Fed được xem như là tiền đề cho chính sách tăng lãi suất của Mỹ  để thu hút tiền đầu tư từ khắp nơi trên thế giới nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.


Đối với một số nhà đầu tư, một thực trạng gây ảnh hưởng rất xấu tới các nền kinh tế mới nổi là các nước này thường nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu.
Ông Yacov Arnopolin, quản lý danh mục nợ của thị trường mới nổi tại Goldman Sachs Asset Management nói: "Các nhà đầu tư thường không mặn mà với những quốc gia có nhiều nhược điểm thương mại”.


Các thị trường mới nổi đã từng được coi là những điểm nóng trên thế giới sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vượt xa sự phục hồi kinh tế của những quốc gia tại châu Âu hay Mỹ và Nhật Bản. Lãnh đạo của một số nền kinh tế mới nổi bày tỏ lo ngại về tình trạng sự mất cân bằng này đã tạo ra một “dòng tiền nóng” tại các thị trường này khiến giá trị đồng tiền của họ tăng mạnh và ảnh hưởng đến xuất khẩu.
5 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, các nước phát triển cuối cùng đã vươn lên trở thành những điểm sáng của nền kinh tế thế giới, một phần do chính sách tích cực của các Ngân hàng Trung ương nước này.


Tình hình hiện tại đẩy các Ngân hàng Trung ương của các nước đang phát triển vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu họ tăng lãi suất để giảm sự mất giá tiền tệ và chống lạm phát thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc thắt chặt tín dụng và tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Tuy nhiên, nếu tăng lãi suất không đúng thời điểm sẽ làm suy giảm uy tín của Ngân hàng Trung ương.

Các nhà đầu tư có thể lấy lại niềm tin vào các thị trường mới nổi hay không còn phụ thuộc vào kết quả cải cách cơ cấu tại các nước này. Ông Peter Kinsella, nhà chiến lược tiền tệ của ngân hàng Commerzbank nói: “Nếu các Ngân hàng Trung ương tại các nền kinh tế mới nổi không cùng nhau hành động nhanh chóng thì các nước này sẽ tiến thẳng đến thời kỳ khủng hoảng”.

Nguyễn Dung
Theo WSJ

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *