Quốc tế 17/07/2014 07:36

BRICS lập ngân hàng 100 tỷ USD cạnh tranh với phương Tây

Lãnh đạo các nền kinh tế mới nổi (BRICS) vừa nhất trí thành lập một ngân hàng phát triển mới có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc, với số vốn 100 tỷ USD.

 
Lãnh đạo 5 nước BRICS cuối cùng nhất trí thành lập Ngân hàng Phát triển Mới với mong muốn thay đổi trật tự tài chính toàn cầu. Ảnh: Merco Press
Lãnh đạo 5 nước BRICS cuối cùng nhất trí thành lập Ngân hàng Phát triển Mới với mong muốn thay đổi trật tự tài chính toàn cầu. Ảnh: Merco Press

Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank) được lập ra nhằm rót vốn cho những dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Ấn Độ sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch ngân hàng này trong 5 năm đầu tiên, tiếp đó là Brazil rồi đến Nga, lãnh đạo nhóm 5 nước BRICS thông báo sau cuộc họp thượng đỉnh khai mạc ngày 15/7 (giờ địa phương) tại Brazil. Lãnh đạo BRICS cũng tuyên bố lập quỹ dự trữ 100 tỷ USD để giúp các nước đối phó áp lực thanh khoản trong ngắn hạn. 

 

Đây là bước tiến lớn nhất của các nhóm BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, kể từ khi họ hợp lại với nhau vào năm 2009 để có tiếng nói lớn hơn trong trật tự tài chính toàn cầu do các cường quốc phương Tây lập ra sau Thế chiến 2, với trung tâm là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Ngân hàng mới cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của khối BRICS - chiếm gần một nửa dân số thế giới và 1/5 sản lượng kinh tế toàn cầu. 

Ngân hàng Phát triển Mới sẽ bắt đầu hoạt động với số vốn đăng ký 50 tỷ USD do 5 nước sáng lập đóng góp đồng đều, 10 tỷ USD trong đó là tiền mặt được góp trong vòng 7 năm và 40 tỷ USD bảo lãnh. Dự kiến, ngân hàng cho vay từ năm 2016 và sẽ chấp nhận các nước khác trở thành thành viên. Tuy nhiên, phần đóng góp tài chính của nhóm BRICS không thấp hơn 55%. 

Quỹ tiền dự phòng sẽ được dự trữ tại mỗi nước BRICS và có thể được chuyển sang nước thành viên khác để giảm bớt khó khăn trong cán cân thanh toán. “Nó sẽ giúp ngăn chặn sự biến động mà các nền kinh tế phải đối mặt khi Mỹ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ”, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff nói. “Đó là dấu hiệu cho thấy cần cải cách IMF”, Reuters dẫn lời bà Rousseff nói với báo giới sau cuộc họp thượng đỉnh. 


Với nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ đóng góp tới 41 tỷ USD vào quỹ dự trữ tiền tệ. Brazil, Ấn Độ và Nga góp 18 tỷ USD, còn Nam Phi góp 5 tỷ USD. Trong trường hợp cần thiết, Trung Quốc có thể vay một nửa số tiền họ đóng góp, Nam Phi vay số tiền gấp đôi và các nước còn lại được vay số tiền tương đương khoản họ đóng góp. 

Hôm qua, Xinhua dẫn một số nguồn tin giấu tên của Bộ Tài chính Trung Quốc nói rằng, Ngân hàng Phát triển Mới sẽ giúp các nước đang phát triển có tiếng nói lớn hơn trong trật tự tài chính quốc tế - chủ đề mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trong cuộc họp thượng đỉnh. Ngân hàng mới sẽ thúc đẩy hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu nhằm phát triển theo hướng công bằng và đúng đắn hơn. 

Đàm phán về nơi đặt trụ sở và nước đảm nhiệm vị trí chủ tịch đầu tiên đã kéo dài hàng chục giờ do những khác biệt giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này cho thấy Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đang có vướng mắc trong việc hòa giải những khác biệt kinh tế và chính trị đến mức khó biến lời nói thành hành động thực tế. 

Các cuộc đàm phán về việc thành lập ngân hàng mới kéo dài hơn 2 năm vì Brazil và Ấn Độ ngăn cản nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành phần đóng góp nhiều hơn các nước còn lại. Rốt cuộc, Brazil và Ấn Độ đã thắng. Nhưng vẫn còn sự e ngại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có thể tìm cách giành ảnh hưởng lớn hơn trong ngân hàng nhằm mở rộng quyền lực chính trị ở nước ngoài. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không được đảm nhận cương vị chủ tịch trong 2 thập kỷ đầu tiên. 
 

Khi Nga đối mặt việc các nước phương Tây cô lập sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và bị cáo buộc dính dáng tình hình hỗn loạn ở miền đông Ukraine, cuộc họp thượng đỉnh BRICS khẳng định, Tổng thống Vladimir Putin vẫn còn nhiều bạn bè.

 

Theo Trúc Quỳnh

Tiền Phong/Xinhua, Bloomberg, CNN

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *