Quốc tế 25/12/2019 09:41

Bloomberg: Nền kinh tế Trung Quốc có thể là số 1, nhưng vẫn còn nghèo hơn Mỹ

Khi nói đến sự giàu có của quốc gia, Mỹ có vị trí dẫn đầu và bỏ xa Trung Quốc - có thể tới ba lần. Đó là một ước tính rất sơ bộ của Michael Beckley thuộc Đại học Tufts, dựa trên dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới và Liên Hợp Quốc.

Bloomberg: Nền kinh tế Trung Quốc có thể là số 1, nhưng vẫn còn nghèo hơn Mỹ - 1

Trung Quốc thường được mô tả là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và có thể sớm trở thành nền kinh tế số 1, mặc dù có nhiều dự báo khác nhau về thời điểm. Trên thực tế, theo tiêu chuẩn sức mua ngang giá, với việc điều chỉnh sự khác biệt về chi phí sinh hoạt - Trung Quốc đã là số 1.

Những tuyên bố này là chính xác nhưng có thể gây hiểu nhầm. Trung Quốc nghèo hơn nhiều so với Mỹ, với những con số thống kê cụ thể có thể chỉ ra.

Điểm mấu chốt là sự khác biệt giữa thu nhập và sự giàu có. GDP và các con số liên quan đo lường dòng thu nhập: cụ thể là số lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại một quốc gia trong một năm nhất định. Còn sự giàu có được đo lường bằng tổng số tài nguyên trong một quốc gia và nhiều tiêu chuẩn khác nữa. Hơn nữa, khoảng cách giữa sự giàu có và thu nhập thường khá lớn với những quốc gia mới nổi, không giống như các quốc gia đã giàu có và ổn định trong một thời gian rất dài, chẳng hạn như Mỹ.

Khi nói đến sự giàu có của quốc gia, Mỹ có vị trí dẫn đầu, và bỏ xa Trung Quốc - có thể tới ba lần. Đó là một ước tính rất sơ bộ của Michael Beckley thuộc Đại học Tufts, dựa trên dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới và Liên Hợp Quốc.

Một lý do cho sự giàu có hơn của Mỹ là môi trường tự nhiên ưu việt hơn của nước này. Nước Mỹ có không khí và nước sạch hơn, và một bộ máy quan chức bảo vệ môi trường tốt hơn. Ví dụ, miền Bắc Trung Quốc đã có vấn đề về nước từ rất lâu và nghiêm trọng, nhưng chưa được giải quyết triệt để, trong khi Mỹ đã làm rất nhiều để bảo đảm nguồn nước cho phía Tây Nam, nơi cũng từng rất ô nhiễm.

Mỹ cũng có nhiều dầu khí hơn Trung Quốc và nước này ít phụ thuộc hơn vào các quốc gia nước ngoài để cung cấp năng lượng. Nguồn nước có sẵn nhiều hơn ở Mỹ cũng mang lại cho quốc gia này tiềm lực dài hạn lớn hơn. Mỹ cũng có nhiều đất canh tác hơn Trung Quốc và là nhà xuất khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới.

Tất nhiên những sản phẩm dầu và thực phẩm không xuất hiện nhiều trong GDP hiện tại, nhưng giá trị lâu dài của những tài nguyên đó, bao gồm về cả mặt an ninh địa chính trị mà chúng cung cấp, vượt xa những gì con số GDP hiện tại đo đếm được. Trung Quốc cũng có vấn đề ô nhiễm đất rất nghiêm trọng, có thể khó khắc phục hơn về lâu dài so với ô nhiễm không khí.

Vì vậy, nếu phải chọn các nguồn lực tài nguyên dài hạn của Mỹ hoặc Trung Quốc, Mỹ rõ ràng có một điểm cộng.

Một phần khác của khoảng cách giàu có bắt nguồn từ giáo dục đại học. Nước Mỹ có nhiều tổ chức giáo dục đại học hàng đầu thế giới, trong khi chỉ có một vài trường đại học ở Trung Quốc, như Đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa, ở vị trí hàng đầu. Các trường như Harvard, Princeton và MIT đã xây dựng thương hiệu, danh tiếng và đào tạo được nhiều thế hệ tài năng trong khi Trung Quốc sẽ khó có thể sánh được, đặc biệt là các ngành khoa học cứng.

Mỹ cũng có một lượng lớn nhà và căn hộ đẹp hơn nhiều so với Trung Quốc, và nhiều trong số đó đã tồn tại trong hàng thập kỷ. Trong khi Trung Quốc vẫn cần phải xây dựng nhiều công trình để đáp ứng dòng công nhân từ nông thôn. Đường sắt cao tốc của Trung Quốc rất tuyệt vời, nhưng trong một nền kinh tế lương thấp, với thu nhập bình quân đầu người gần bằng với Mexico, nó đem lại giá trị thấp hơn nhiều so với Nhật Bản.

Giá trị của tài sản doanh nghiệp vô hình là một lợi thế khác cho các thương hiệu Mỹ được biết đến trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc, với chất lượng tốt và dịch vụ cao cấp. Trung Quốc không có gì có thể so sánh với Coca-Cola, Mc Donald, hay Google - mặc dù trong lĩnh vực công nghệ, Trung Quốc cho thấy một số dấu hiệu đang dần bắt kịp. Người tiêu dùng toàn cầu vẫn còn khao khát các sản phẩm của Mỹ hơn, và lợi thế đó vẫn đang được duy trì.

Một sự so sánh thú vị: Để so sánh hai cá nhân, chẳng hạn như Bill Gates và Warren Buffett, người ta không tập trung vào số tiền kiếm họ được trong năm nay. Thay vào đó, người ta nhìn vào sự giàu có của họ - nghĩa là tổng thu nhập tích lũy từ trong quá khứ của họ, trừ đi các khoản chi tiêu. Và các quốc gia cũng nên so sánh như vậy.

Tất nhiên, người Mỹ chẳng thể bỏ qua những thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng bất kỳ sự so sánh trung thực nào của hai quốc gia nên xem xét tất trên tất cả các khía cạnh - và những chỉ tiêu kế toán đầy đủ hơn sẽ đặt nước Mỹ vào vị trí dẫn đầu.

Thùy Dung

Theo Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *