Quốc tế 30/09/2019 07:20

Bị “đè nén” bởi nợ nần và Mỹ, Pakistan buộc phải trì hoãn các dự án Vành đai và Con đường

Cộng đồng doanh nghiệp của Pakistan không muốn tham gia hoàn toàn vào việc liên doanh với các nhà đầu tư Trung Quốc

Cộng đồng doanh nghiệp của Pakistan không muốn tham gia hoàn toàn vào việc liên doanh với các nhà đầu tư Trung Quốc

 

Đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài và cố gắng cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, các nhà hoạch định chính sách của Pakistan đang buộc phải làm chậm tiến độ của các dự án trị giá hàng tỷ đô la theo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, hay CPEC, ra mắt năm 2014, nhằm xây dựng mối liên kết giữa Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc và thành phố cảng Gwadar ở miền nam Pakistan. Tổng chi phí của dự án ước tính khoảng 60 tỷ USD.

Theo Hassan Daud Butt, giám đốc dự án CPEC của chính phủ Pakistan, nhiều dự án giai đoạn 1, bao gồm cải tiến cảng Gwadar, nhà máy điện và xây dựng đường bộ, vẫn chưa hoàn thành mặc dù thời hạn hoàn thành của chính phủ là vào năm ngoái. Cũng không có tiến triển nào trong các dự án giai đoạn 2, bao gồm thiết lập các khu kinh tế đặc biệt và khu công nghiệp.

Butt, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại gần đây với Nikkei, đã không bình luận về lý do của sự chậm trễ. Nhưng nhiều chuyên gia nói rằng chính phủ Pakistan đã áp dụng một cách tiếp cận chậm cho các dự án.

“Không thể có bất kỳ tiến triển nào với Trung Quốc thời điểm này. Ngay cả Bắc Kinh cũng biết rằng CPEC đang bị trì hoãn”, Kaiser Bengal, một nhà kinh tế và cựu cố vấn chính sách cho chính quyền Pakistan nói. “Mỹ không muốn ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên, ... [vì vậy] quyền kiểm soát nền kinh tế của Pakistan nằm trong tay của Mỹ và các tổ chức liên kết của nó, chẳng hạn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.”

Pakistan đã bỏ hầu hết trứng vào một rổ:     Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào CPEC đã dẫn đến việc nhập khẩu lớn các thiết bị và vật liệu của Trung Quốc, làm giảm thâm hụt tài khoản vãng lai và tăng nợ nước ngoài của Pakistan. Theo một báo cáo của IMF được công bố vào tháng 7, tổng nợ phải trả công khai của Pakistan ở mức 85,4 tỷ đô la trong tháng 3, một phần tư trong số đó là nợ Trung Quốc.

Sự gia tăng trong nhập khẩu và nợ được tài trợ đã khiến dự trữ ngoại hối của Pakistan cực kỳ thấp kể từ năm ngoái. Theo Ngân hàng Nhà nước Pakistan, nước này đã vay 16 tỷ USD từ nước ngoài trong năm tài khóa 2018-19 để tránh hết tiền ngoại tệ. Bốn mươi hai phần trăm trong số đó, tương đương 6,7 tỷ đô la, đến từ Trung Quốc. Chính phủ cũng đã phải nhờ đến IMF, trong tháng 7 đã nhận khoản cứu trợ trị giá 6 tỷ đô la.

Các đống nợ khổng lồ đang buộc nước này phải chậm lại trong các dự án mới. Một ví dụ là Mainline-1 trị giá 8,5 tỷ USD, dự án hiện đại hóa đường sắt là một phần của CPEC Giai đoạn 1. Theo các nguồn tin trong Ủy ban Kế hoạch Pakistan, bộ máy nhà nước không muốn tiến hành vì sự giám sát gia tăng từ Cục Trách nhiệm Quốc gia, cũng như các hạn chế của IMF đối với Pakistan nếu họ nhận thêm đầu tư.

Ayesha Siddiqa, một nhà bình luận chính trị tại Trường Nghiên cứu phương Đông và Châu Phi của Đại học London, nhận thấy một nguyên nhân khác đằng sau chính sách trì hoãn này: quân đội Pakistan.

Siddiqa nói: “Pakistan đã bắt đầu xuất bản những câu chuyện chỉ trích CPEC. Không có tờ báo nào dám xuất bản bất cứ điều gì chỉ trích CPEC hai năm trước”. Quân đội Pakistan  từ lâu đã được coi là bình đẳng với chính phủ trong việc hoạch định chính sách. “Tín hiệu xanh [ám chỉ những câu chuyện chỉ trích CPEC] là vì quân đội Pakistan muốn điều này”, cô nói.

Những tiếng nói phản đối CPEC đang ngày càng lớn dần. “Cần phải cẩn thận với CPEC” một nhà công nghiệp nổi tiếng nói, với yêu cầu giấu tên, “Cộng đồng doanh nghiệp của Pakistan không muốn tham gia hoàn toàn vào việc liên doanh với các nhà đầu tư Trung Quốc”

Công chúng nước này cũng dần hoài nghi. “CPEC có lợi cho Pakistan, vì chúng tôi cần đầu tư cho tăng trưởng kinh tế và ổn định. Nhưng so sánh, tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ có lợi hơn nhiều so với Pakistan”, ông Tashfeen Farooqi, một người dân tại thành phố Karachi nói.

Shahbaz Rana, một nhà báo tài chính ở Islamabad, đồng ý: “Mặc dù các nút thắt năng lượng của Pakistan đã được gỡ bỏ [bởi các dự án điện của CPEC], về lâu dài, Trung Quốc có nhiều lợi ích hơn so với Pakistan”, ông nói.

Bạo lực đối với công nhân Trung Quốc ở Pakistan, chẳng hạn như một cuộc tấn công gần đây vào một khách sạn sang trọng ở Gwadar của quân nổi dậy Baloch, cũng đã gây tranh cãi về tương lai của CPEC.

Trong khi đó, quyết tâm rút quân khỏi Afghanistan của Tổng thống Mỹ Donald Trump là cơ hội để Pakistan cải thiện mối quan hệ với Washington, các chuyên gia cho biết. Vì Mỹ phản đối CPEC, Pakistan dường như đã đồng ý thực hiện một số điều chỉnh nhất định với CPEC để tiến gần hơn tới Mỹ.

“Pakistan về cơ bản đang cố gắng cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ”, Kamran Yousaf, một phóng viên ngoại giao có trụ sở tại Islamabad nói.

 

Thùy Dung

Theo Nikkei

 

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *