Quốc tế 01/05/2020 11:28

Bảo hiểm toàn cầu đối mặt với mức bồi thường kỷ lục khi hàng loạt sự kiện bị huỷ do dịch

Việc hoãn Thế vận hội Olympic Tokyo và các sự kiện thể thao lớn khác vì đại dịch Covid-19 không chỉ là nỗi đau cho người hâm mộ mà còn là một tổn thất lớn cho các công ty bảo hiểm.

Biểu tượng Olympic tại Công viên hải dương Odaiba ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: EPA

Điều này sẽ dẫn đến sự tăng giá của các loại bảo hiểm khác nhau trên toàn cầu trong những năm tới.

Giới quan sát cho biết, ước tính các công ty bảo hiểm sẽ phải chi trả lên đến 6,3 tỷ USD tiền bồi thường cho các hợp đồng bảo hiểm sự kiện do bị huỷ (gọi tắt là bảo hiểm sự kiện) để bù đắp tổn thất từ việc bán vé và các thu nhập khác cho các nhà tổ chức.

Làn sóng yêu cầu bồi thường đã được kích hoạt sau Thế vận hội Olympic và các giải tennis, bóng đá, bóng bầu dục và các cuộc thi thể thao khác cũng như các sự kiện giải trí đã bị hủy bỏ hoặc phải dời lịch do đại dịch Covid-19.

Theo Eric Hui Kam-kwai, Chủ tịch Liên đoàn bảo hiểm Hồng Kông, nhiều công ty bảo hiểm trên toàn cầu sẽ phải chịu tổn thất và điều này sẽ kích thích tăng phí bảo hiểm trên toàn thế giới.

“Với một con số bồi thường khổng lồ, khó tránh khỏi chuyện phí bảo hiểm đối với việc huỷ hoãn các sự kiện và các chính sách bảo hiểm khác sẽ tăng cao hơn trong năm tới. Một số công ty bảo hiểm có thể loại trừ bất cứ sự kiện bảo hiểm nào liên quan tới đại dịch hoặc các bệnh truyền nhiễm nói chung”, ông Hui cho biết.

Dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 3 triệu người trên toàn thế giới. Các chính phủ trên khắp toàn cầu đã triển khai biện pháp giãn cách xã hội dẫn đến nhiều sự kiện thể thao và các buổi hoà nhạc bị huỷ bỏ hoặc tạm dừng tổ chức.

Theo đánh giá của ông Tommy Elliot, Giám đốc vùng của Tập đoàn Circle có trụ sở tại Hồng Kông, chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm sự kiện, trên toàn cầu, doanh thu hàng năm từ sản phẩm bảo hiểm sự kiện chỉ khoảng 250-350 triệu USD. Với mức bồi thường dự đoán vượt mức 6,3 tỷ USD, nhiều công ty bảo hiểm sẽ phải chịu mức tổn thất khổng lồ.

“Đại dịch đang tác động lớn đến mảng bảo hiểm sự kiện. Mảng kinh doanh doanh này sẽ chịu khoản lỗ lớn nhất từ trước tới nay”, ông Elliot nói. Khi các hình thức bồi thường khác như bảo hiểm du lịch, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh và bảo hiểm tín dụng được thực hiện, ông dự đoán, tổng mức bồi thường của các công ty bảo hiểm sẽ đạt mức 80 tỷ USD trở lên, lớn hơn cả mức bồi thường trong vụ khủng bố ngày 11/9 ở New York vào năm 2001.

Ông Elliot cũng cho biết, công ty của ông đã nhận được một số yêu cầu bồi thường cho việc huỷ các sự kiện thể thao và hội chợ thương mại ở Hồng Kông và Châu Á. Và công ty có thể sẽ từ chối các yêu cầu này vì đã ngừng chấp nhận bất kỳ chính sách mới nào liên quan đến dịch bệnh khi nó bùng phát hồi tháng 1.

Ở Anh, theo tờ The Times, các nhà tổ chức giải quần vợt Wimblendon dự kiến sẽ nhận được khoản bồi thường bảo hiểm trị giá 100 triệu Bảng (khoảng 124,48 triệu USD).

Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch cũng cho biết trong một báo cáo tháng trước, khoản bồi thường trị giá 2 tỷ USD sẽ được thanh toán cho việc hoãn Thế vận hội Olympic Tokyo từ tháng 7 đến năm tới.

SwissRe, công ty tái bảo hiểm lớn thứ hai trên thế giới, cho biết hôm qua (30/4), họ đã dành ra 253 triệu USD dự kiến để trả cho các vụ huỷ hoãn sự kiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong tháng 3, ông John Dacey, Giám đốc tài chính Swiss Re đã nói với một nhà đầu tư rằng, họ có thể phải thanh toán 250 triệu USD cho Thế vận hội Tokyo trong trường hợp sự kiện này bị huỷ bỏ hoàn toàn.  Nếu chỉ bị hoãn thì chi phí bồi thường có thể thấp hơn. Công ty tái báo hiểm này chiếm 15% thị phần bảo hiểm huỷ hoãn sự kiện trên toàn cầu.

Trong khi đó, “ông lớn” bảo hiểm của Đức – Allianz đã giới hạn các yêu cầu bồi thường đối với việc di dời lịch tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo. Tập đoàn này đã nhận được 4.100 yêu cầu bồi thường, chủ yếu từ Mỹ và khoảng 10% từ châu Âu. Allianz đã cung cấp các gói bảo hiểm cho các công ty sản xuất phim cũng như các sự kiện thể thao, hội chợ thương mại bị huỷ hoãn do đại dịch.

Theo ông Elliot, các chính sách đối với việc huỷ hoãn sự kiện vốn phổ biến ở Mỹ hơn ở châu Á, nhưng ông cho rằng đại dịch này có thể thay đổi điều đó. “Sau khi nhiều sự kiện bị huỷ do đại dịch, nhiều nhà tổ chức ở châu Á sẽ nhận thức hơn về việc cần thiết phải có bảo hiểm cho việc huỷ hoãn sự kiện”, ông nói.

Nhật Linh

Theo SCMP

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *