Quốc tế 01/08/2014 23:05

Argentina vỡ nợ do các quỹ "kền kền" của Mỹ?

Chính phủ Argentina ngày 31/7 đã đổ lỗi cho Mỹ về cuộc chiến pháp lý dẫn tới việc nước này không thể thanh toán nợ đúng hạn, và bị các cơ quan xếp hạng tín nhiệm.

 
Người Argentina tuần hành ủng hộ chính phủ
Người Argentina tuần hành ủng hộ chính phủ
Sau khi cuộc đàm phán giữa Argentina và các chủ nợ là 2 quỹ đầu tư của Mỹ đổ vỡ vào phút chót, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã tuyên bố quốc gia Nam Mỹ trong tình trạng “vỡ nợ có giới hạn”.

Trước đó một ngày, một hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín khác là S&P đã tuyên bố Argentina trong tình trạng “vỡ nợ từng phần”. Cả hai cách dùng từ này đều cho thấy Argentina đã không thể thanh toán được một hay nhiều nghĩa vụ nợ, nhưng vẫn tiếp tục đảm bảo một số nghĩa vụ nợ khác.

Đến nay, thẩm phán Thomas Griesa của Mỹ đã ra lệnh cấm Argentina thực hiện chi trả cho các “chủ nợ hoán đổi” – những người đã chấp nhận mất 70% giá trị trái phiếu chính phủ đã mua của Argentina sau khi nước này vỡ nợ năm 2001 – do không thanh toán cho hai quỹ đầu cơ của Mỹ khác, những người đòi được hoàn trả đầy đủ trị giá số trái phiếu họ đã mua.

Trong ngày hôm qua thị trường chứng khoán Argentina đã lao dốc mạnh 8,43% sau khi thông tin vỡ nợ được công bố.

Ông Jorge Capitanich, chánh văn phòng nội các của Tổng thống Argentina Cristina Kirchner đã đổ lỗi cho chính phủ Mỹ, thẩm phán Griesa và nhà trung gian được tòa án Mỹ chỉ định đã khiến vụ việc trở thành một vụ kiện tụng rắc rối, đẩy nước này vào cảnh không thể thanh toán 539 triệu USD trái phiếu cho các trái chủ khác.

“Nếu thẩm phán cũng chỉ là một đại diện cho các qũy đầu cơ đó, nếu người trung gian cũng chỉ là đại diện cho họ, thì cái thứ công lý mà họ đang nói tới là gì? Ở đây chính phủ Mỹ cần phải có trách nhiệm đăt ra các điều kiện đảm bảo sự tôn trọng chủ quyền của các nước khác”, ông Capitanich tuyên bố.

Capitanich cáo buộc thẩm phán Griesa cũng như nhà trung gian hòa giải Dan Pollack “thiếu năng lực”, đồng thời cho biết nước này sẽ đưa vụ việc lên các tòa án quốc tế.

Argentina cho biết việc chi trả cả gốc và lãi số tiền 1,3 tỷ USD cho nhóm 2 trái chủ nêu trên sẽ khiến họ phải đối mặt với nguy cơ bị buộc thanh toán khoảng 100 tỷ USD cho các “chủ nợ hoán đổi”, những người có quyền hưởng sự đối xử công bằng theo quy định của luật pháp Mỹ.

Bộ tư pháp Mỹ cho biết cơ quan này phản đối phán quyết của tòa nhưng kêu gọi Argentina thu xếp tình hình tài chính.

Tổng thống Argentina Kirchner thì phủ nhận đất nước mình đã vỡ nợ, khi tái khẳng định đã chuyển tiền thanh toán cho các chủ nợ, và lên án chiến thuật của các quỹ mà bà xem là những “quỹ đầu tư tham lam”.

“Chúng ta sống trong một thế giới rất không công bằng và đầy bạo lực và đây cũng là một dạng bạo lực nữa. Giống như những quả tên lửa trong chiến tranh, tên lửa tài chính cũng gây chết chóc”, vị nữ Tổng thống phát biểu trên truyền hình quốc gia. “Tôi muốn mọi người dân Argentina bình tĩnh, bởi Argentina sẽ sử dụng mọi công cụ pháp lý mà các hợp đồng quy định”.

Ngân hàng Bank of New York xác nhận, khoản tiền mà Buenos Aires chuyển để thanh toán cho các “chủ nợ hoán đổi” vẫn nằm trong tài khoản của ngân hàng này tại ngân hàng trung ương Argentina, nhưng bị phán quyết của tòa “đóng băng”.

Hiệp hội giao dịch hoán đổi và phái sinh quốc tế, một tổ chức của những người tham gia trên thị trường phái sinh, cho biết đã tiếp nhận yêu cầu từ ngân hàng Thụy Sỹ UBS để ra phán quyết liệu Argentina vỡ nợ hay chưa. Tuyên bố vỡ nợ sẽ khiến các hợp đồng bảo hiểm những hợp đồng vay tiền lập tức có hiệu lực.

Argentina hiện nhận được sự ủng hộ của hơn 100 nhà kinh tế, bao gồm cả chủ nhân giải Nobel Robert Solow cùng nhiều học giả khác, những người đã gửi thư yêu cầu quộc hội Mỹ can thiệp.

Năm 2001, nước này từng không thể thanh toán khoảng 100 tỷ USD nợ nước ngoài, đẩy họ vào tình trạng khủng hoảng. Các cuộc bạo loạn đã làm 33 người thiệt mạng sau khi chính phủ tuyên bố đóng băng tiền gửi tiết kiệm để ngăn tình trạng người dân ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng.

Theo các nhà phân tích tác động của đợt vỡ nợ mới này đối với kinh tế toàn cầu sẽ nhỏ hơn nhiều do kể từ đó đến nay, Argentina vẫn không thể tiếp cận thị trường vốn thế giới.

 

Thanh Tùng
Theo AFP
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *