Quốc tế 04/04/2014 15:26

98% kinh tế châu Á là doanh nghiệp vừa và nhỏ!

FICA - Theo nhận định của ADB, mặc dù chiếm đến 98% số lượng doanh nghiệp và đem lại việc làm cho 68% lực lượng lao động tại nước Châu Á, tuy nhiên nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ mới chỉ chiếm 38% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực.

Theo Báo cáo Theo dõi tài chính doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa phát hành, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của các nền kinh tế ở khu vực Châu Á, tuy nhiên nhóm đối tượng này cần được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn vốn để tăng trưởng và tạo thêm việc làm mới cho khu vực.

Ông Noritaka Akamatsu, Phó trưởng Văn phòng Hội nhập Kinh tế khu vực của ADB đánh giá, “Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ ở khu vực Châu Á gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn. Nếu muốn phát huy được tiềm năng của mình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải được tiếp cận với nhiều lựa chọn về nguồn vốn bên cạnh nguồn vốn vay ngân hàng, trong đó có cả lựa chọn nguồn vốn từ thị trường vốn.”

 

Nhóm doanh nghiệp này được định nghĩa khác nhau tùy theo từng quốc gia nhưng về cơ bản là các doanh nghiệp có ít nhân công hoặc ít vốn. Những doanh nghiệp này chiếm đến 98% số lượng doanh nghiệp và đem lại việc làm cho 68% lực lượng lao động tại nước Châu Á, tuy nhiên họ mới chỉ chiếm 38% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực. Theo ADB, điều này có nghĩa là các Chính phủ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, vấn đề của các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn là khó tiếp cận với các nguồn vốn cần thiết để phát triển. Những doanh nghiệp này kém lợi thế hơn so với các công ty có quy mô lớn khi có sự lo ngại về các khoản vay ngân hàng, đặc biệt là khi các ngân hàng cắt giảm cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sau làn sóng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 vì muốn tránh rủi ro và tìm kiếm sự ổn định tài chính.

Mặc dù nhiều Chính phủ đã xây dựng các khung chính sách toàn diện nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết các biện pháp tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn từ ngân hàng, chẳng hạn như các chương trình bảo lãnh tín dụng ở Indonesia và Thái Lan, các cải cách đảm bảo giao dịch ở khu vực Thái Bình Dương, các chương trình tái cấp vốn ở Bangladesh và Malaysia hay cho vay bắt buộc ở Philippines.

Báo cáo nhấn mạnh đến ví dụ của Trung Quốc, nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp 50% số thuế thu được, 60% GDP và 80% số việc làm ở khu vực thành thị. Tại quốc gia này, các nguồn vốn bổ sung được cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các thị trường cổ phiếu doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến, các công cụ trái phiếu doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp tín dụng vi mô.

Tuy nhiên, định nghĩa về doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc có sự khác biệt với các quốc gia khác, vì vậy cần có thêm nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc mở rộng các lựa chọn về nguồn vốn với sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo khuyến nghị của ADB, tất cả các quốc gia trong khu vực cần phải làm nhiều việc để các lựa chọn về nguồn vốn phi ngân hàng được đưa vào chính sách quốc gia và khuyến khích các lựa chọn khác, chẳng hạn như tăng cường sử dụng các công cụ thị trường vốn và tài chính dựa trên tài sản.

Với số liệu về doanh nghiệp vừa và nhỏ của 14 quốc gia trong khu vực, ADB cho thấy khi nền kinh tế thế giới đang ngày càng có sự đan xen lẫn nhau, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là một phần trong chuối cung ứng toàn cầu phức tạp và họ cần được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn tài chính thương mại, tài chính của chuỗi cung ứng và các mô hình cấp vốn sáng tạo giúp họ mở rộng hoạt động kinh doanh ra thế giới.

Báo cáo mới này được công bố cùng với một nghiên cứu chung của ADB và OECD về tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó nhìn lại những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và những rắc rối về nợ công ở khu vực Châu Âu.

Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *