Quốc tế 22/01/2015 10:23

7 thách thức của kinh tế Trung Quốc

Năm 2014 đánh dấu một bước ngoặt lớn của nền kinh tế Trung Quốc khi quốc gia này vượt mặt Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới hiện nay.

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô về giá trị tổng sản phẩm quốc nội GDP (đã được hiệu chỉnh theo sức mua của đồng tiền) của Trung Quốc trong năm 2014 là 17.600 tỷ USD, trong khi con số này của Hoa Kỳ là 17.400 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên sau 142 năm, vị trí số một về quy mô kinh tế của Hoa Kỳ bị thách thức.

Tuy vậy vẫn còn tồn tại nhiều tranh cãi về cách tính GDP này, khi nó chưa tính đến nhiều khía cạnh khác của nền kinh tế như thu nhập bình quân đầu người, hay các chỉ số liên quan đến phúc lợi, phát triển con người.

Trên thực tế, để khẳng định một quốc gia có vị thế thực sự trên thế giới, các nhà kinh tế học và các chuyên gia nghiên cứu sẽ dựa vào sự tổng hợp của nhiều chỉ số kinh tế, xã hội, môi trường mà một nền kinh tế đạt được hơn là chỉ dựa vào con số thống kê GDP gộp theo quy mô nền kinh tế.

Theo người viết, trên con đường trở thành một cường quốc kinh tế thực sự, Trung Quốc sẽ gặp một số thách thức như sau:

Thứ nhất, khó khăn trong việc thực hiện cân bằng hoá cán cân thanh toán, xuất khẩu - nhập khẩu và giữ giá đồng tiền quốc gia.

Trong năm 2014, nền kinh tế Trung Quốc có ở thặng dư xuất khẩu đạt 81,5 tỷ USD và thâm hụt vốn và tài khoá dừng lại với mức 81,6 tỷ USD Mỹ. Đây được xem là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế này trong mục tiêu duy trì cán cân thanh toán ở trạng thái ổn định.

Tuy nhiên, để trở thành một nền kinh tế mạnh thực sự, Trung Quốc phải tiến tới việc duy trì một trạng thái cân bằng trong nền kinh tế nhằm xoay trục vị thế của mình từ một quốc gia tăng trưởng chỉ dựa vào xuất khẩu các hàng hoá thô với việc phá giá đồng tiền của mình thành một nền kinh tế dựa vào việc sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đồng thời có một đồng tiền thực sự mạnh khi so sánh với các ngoại tệ khác.

Đây là một thách thức lớn trong giai đoạn chuyển giao nền kinh tế mà không thể không thực hiện của Trung Quốc.

Thứ hai, mất lợi thế lao động rẻ.

Chi phí lao động ngày càng tăng lên trong các ngành sản xuất ở Trung Quốc đang gây bất lợi cho quốc gia này trong việc duy trì tính cạnh tranh của sản xuất.

Hơn thế nữa, cạnh tranh về giá nhân công khốc liệt từ Việt Nam, Bangladesh, Mexico, Ấn Độ và Đông Âu cũng làm cho Trung Quốc gặp khó khăn nhiều hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng như cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế (các dịch vụ lao động thuê ở bên ngoài).

Thứ ba, giảm thị phần xuất khẩu.

Là một quốc gia vốn tăng trưởng dựa phần lớn vào xuất khẩu, nhưng hiện nay thị phần xuất khẩu tại các quốc gia phát triển cũng đang giảm nghiêm trọng do sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 2,3% thị phần trên toàn thế giới từ năm 2013 và 2% từ Hoa Kỳ năm 2011.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại mới từ các khu vực xuyên Thái Bình Dương, thương mại xuyên Đại Tây Dương, đối tác đầu tư và các Hiệp định Dịch vụ Đa phương quy định loại bỏ thuế quan giữa một số nước, các tiêu chuẩn về lao động và môi trường, và chủ nghĩa bảo hộ ngầm cũng là những thách thức nghiêm trọng với xuất khẩu của Trung Quốc.

Thứ tư, thách thức về chênh lệch giữa đầu tư và tiêu dùng trong nội bộ nền kinh tế.

Trung Quốc đang cố gắng đạt đến một sự tái cân bằng nội bộ của đầu tư và tiêu dùng trong nền kinh tế. Suy giảm tăng trưởng trong tài sản cố định từ 33% năm 2009 chỉ còn 16% năm 2014 đặt nhiều áp lực lên việc tăng trưởng sản lượng.

Trong khi đó, vốn góp đầu tư vào tăng trưởng GDP cũng giảm vì một trong những lý do chính là Trung Quốc vẫn chưa thật sự hấp thụ được năng lực sản xuất được tạo ra bởi đầu tư quy mô lớn trong những năm 2010 – 2011.

Khả năng hấp thụ thấp do sức mua hay khả năng tiêu dùng thấp đã làm gia tăng khoảng cách giữa đầu tư và tiêu dùng trong nền kinh tế. Nhiều ngành công nghiệp mới nổi như điện gió, pin mặt trời và sợi carbon với nhu cầu sử dụng ít hơn 75% năng lực sản xuất của ngành.

Thứ năm, đầu tư thiếu hụt và kém hiệu quả.

Trong những năm 1999 – 2012 chỉ số ICOR - thể hiện vốn đầu tư cần thiết để tăng sản lượng tổng thể lên một đơn vị - ở Trung Quốc trung bình là 3,9. Đây là một con số khá cao phản ảnh đầu tư vốn ở Trung Quốc kém hiệu quả hơn so với các nước đang phát triển ở mức tăng trưởng tương tự.

Bên cạnh đó, thiếu hụt vốn đầu tư cũng là một thách thức mà Trung Quốc đang đối mặt hiện nay.

Thứ sáu, thách thức về khía cạnh tiếp thu công nghệ và đổi mới để tạo ra các sản phẩm công nghệ cao.

Công nghệ được coi là một câu đố trong việc tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc hiện nay. Độ trễ lớn trong việc áp dụng công nghệ và đổi mới đang góp phần gia tăng khoảng cách phát triển giữa Trung Quốc và các nước phát triển ở phương Tây, làm cho việc chuyển đổi nền kinh tế trở nên chậm hơn và cản trở khả năng Trung Quốc di chuyển lên chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ bảy, ô nhiễm môi trường đang đe dọa đến phát triển bền vững.

Tăng trưởng kinh tế dựa vào sản xuất thô và sử dụng nhiều năng lượng trong nhiều thập kỷ qua đã đẩy Trung Quốc vào vị thế là một trong các quốc gia “đóng góp” lớn nhất vào trữ lượng phát thải toàn cầu.

Theo thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), phát thải CO2 vào năm 2012 của Trung Quốc chiếm khoảng 26,1%, lớn hơn cả Hoa Kỳ. Con số này cho thấy mục tiêu phát triển bền vững của Trung Quốc đang bị thách thức nghiêm trọng.

Như vậy, cho dù Trung Quốc đang vươn mình trên thế giới với quy mô kinh tế lớn hàng đầu trên thế giới, quốc gia này vẫn đang phải đối diện nhiều thách thức nghiêm trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế quốc tế, và đặc biệt là đạt được phát triển bền vững trong thời gian tới.

Theo Phương Huỳnh

Doanh nhân Sài gòn

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *