Quốc tế 09/11/2013 10:11

20% số ngân hàng lớn nhất thế giới có thể bị xóa sổ

FICA - Theo McKinsey & Co., một phần năm các ngân hàng lớn nhất thế giới có thể bị chia nhỏ hoặc bán như một phần của quá trình điều chỉnh toàn diện để tăng lợi nhuận cho cổ đông.


Bloomberg dẫn báo cáo thường niên về ngành ngân hàng công bố hôm nay của McKinsey cho biết, số lượng ngân hàng đa năng quy mô toàn cầu có thể giảm xuống ít hơn 10, từ con số khoảng 25 hiện nay khi các ngân hàng này thu hẹp tập trung vào các sản phẩm hay khu vực. Trong khi đó, 90 ngân hàng toàn cầu đang tạo ra lợi nhuận cao hơn bằng cách theo đuổi một trong năm chiến lược khác nhau được miêu tả bởi hãng tư vấn McKinsey trong báo cáo.


Ông Fritz Nauck, giám đốc hãng tư vấn và là đồng tác giả của báo cáo cho rằng vấn đề không phải là việc giảm số lượng ngân hàng có thể xảy ra hay không. Vấn đề là quá trình đó diễn ra như thế nào và mang lại kết quả ra sao.


McKinsey cho biết, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng toàn cầu đã tăng từ 7,9% lên 8,6% trong năm 2012, từ mức 7,9% trong cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức yêu cầu tối thiểu của các cổ đông là từ 10% đến 12%.


Cũng theo báo cáo, các ngân hàng Mỹ thu lợi nhuận trung bình 8% trong năm ngoái, còn các ngân hàng châu Âu giành được 2%, không tính các ngân hàng tại các nước nợ nhiều nhất như Tây Ban Nha và Hy Lạp.


Giải pháp nào cho các ngân hàng?


Yêu cầu vốn cao hơn, tăng trưởng kinh tế chậm và nhu cầu ngành càng tăng của các cơ quan quản lý quốc gia đã làm giảm dòng vốn và thương mại quốc tế, gây áp lực lên hiệu suất kinh doanh của các ngân hàng. Các quy định mới như bổ sung tỷ lệ đòn bẩy và sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh trực tuyến cũng là mối đe dọa, McKinsey nhận xét.


90 ngân hàng tốt hiện thu được 15% lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), và giá cổ phiếu của họ được giao dịch với giá trung bình bằng 2 lần giá trị sổ sách, gấp đôi tỷ lệ của các ngân hàng còn lại trong 500 ngân hàng được xem xét.  


Năm chiến lược phát triển các ngân hàng theo đuổi mà McKinsey chỉ ra là ngân hàng toàn cầu; "các chuyên gia đầu tư" có hoạt động lớn trong quản lý tài sản hoặc xử lý thanh toán; các ngân hàng cung cấp dịch vụ cao cấp và có thể tính phí bảo hiểm; trở thành một người đứng đầu trong một thị trường phát triển nhanh và một mô hình cơ bản có đặc điểm là ít sản phẩm hơn cùng với chi phí thấp hơn.


Nhiều ngân hàng sẽ phải theo đuổi chiến lược “quay trở lại mô hình cơ bản” bằng cách hạn chế dịch vụ họ cung cấp và giảm các sản phẩm mang lại lợi nhuận cho người tiêu dùng như cho sinh viên vay, ông Nauck nói.


Các ngân hàng Mỹ như Comerica Inc. và M&T Bank Corp. đã thành công với tỷ suất lợi nhuận thấp hơn bằng cách cắt giảm chi phí và duy trì bảng cân đối tài sản cực kỳ đơn giản.


Theo Nauck, ngành ngân hàng có thể cải thiện lợi nhuận bằng cách thâu tóm và sáp nhập, vì nhiều ngân hàng trong số 190 ngân hàng đang có ROE dưới chi phí vốn chủ sở hữu và đang giao dịch dưới giá trị sổ sách có thể xem xét tới việc "bán mình". Ông cũng viện dẫn câu chuyện xảy ra sau khủng hoảng tiết kiệm và cho vay những năm 1980 khi số ngân hàng giảm một nửa trong 20 năm sau đó.


"Tôi không nghĩ rằng chúng ta cần một con số như thế, nhưng sẽ có một ngành ngân hàng mạnh mẽ hơn cho khách hàng, người tiêu dùng, ngân hàng, nhà quản lý và tất cả các thành phần khác nếu những ngân hàng yếu có thể bị thâu tóm và quản lý tốt hơn bởi một ngân hàng mạnh hơn", Nauck kết luận.  

Lam Thanh
Theo Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *