Đời Sống 10/05/2014 08:16

Đóng bảo hiểm cho “ôsin”: Khó đôi bề

Bắt đầu từ ngày 25-5 tới đây, Nghị định 27/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý lao động giúp việc gia đình chính thức có hiệu lực. Theo đó, người thuê phải ký hợp đồng lao động với “ôsin” mức lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng, phải đóng BHXH, BHYT và mỗi tuần phải được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục.

Người giúp việc sẽ được hỗ trợ nhiều hơn. Ảnh: Công ty Giúp việc tốt
 

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến lo lắng cho rằng các quy định này sẽ thực hiện như thế nào trong tương lai bởi ngay từ khi chưa có hiệu lực, nghị định này đã vấp phải khá nhiều ý kiến phản đối từ nhiều phía.

Sẽ là một nghề

Theo điều tra của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), giúp việc gia đình đang ngày một tăng lên ở Việt Nam. Hiện nay, nước ta có khoảng hơn 200.000 người lao động giúp việc gia đình, trong đó nữ chiếm tới hơn 90%. Ở các thành phố lớn, nhu cầu về lao động này đang ngày một tăng. Trung tâm Quốc gia Dự báo và Thông tin thị trường lao động dự báo số lượng người giúp việc sẽ tăng từ 157.000 người năm 2008 lên khoảng 246.000 người vào năm 2015. Trong đó đa phần người giúp việc là nữ giới từ nông thôn. Hầu hết người giúp việc gia đình mới chỉ tốt nghiệp cấp hai và không được đào tạo để làm công việc này. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiều người giúp việc gia đình phải làm việc quá giờ và “làm rất nhiều giờ”. Họ cũng dễ trở thành nạn nhân bị quấy rối tình dục và các dạng bạo lực khác.

Theo Nghị định 27, ngoài quy định về mức lương tối thiểu, Nghị định còn quy định chi tiết thời gian làm việc và nghỉ ngơi đối với người lao động giúp việc gia đình. Theo đó, người giúp việc gia đình cần phải được nghỉ ít nhất 8 tiếng/ngày, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục. Mỗi tuần, người giúp việc phải được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục hoặc bình quân ít nhất 4 ngày trong một tháng. Đây là những bước tiến đáng mừng trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động và đưa giúp việc gia đình trở thành một nghề chính thức trong xã hội.

Tuy nhiên theo thực tế tìm hiểu của phóng viên từ hai phía, có không ít người giúp việc hồ hởi với Nghị định mới ban hành vì dành nhiều ưu đãi cho họ nhưng cũng có những người lại thờ ơ, lo lắng bởi nhiều nguy cơ cho thấy thu nhập của người giúp việc sẽ bị giảm do chủ nhà khấu trừ để chi trả bảo hiểm. Nhiều người giúp việc còn không hề hay biết đến Nghị định này. Trong khi đó, hầu hết các chủ nhà thì lại tỏ ra băn khoăn, trăn trở.

Bên cạnh đó, trong Nghị định có yêu cầu chủ sử dụng và người giúp việc sau khi ký hợp đồng xong thì phải mang hợp đồng ra phường để đăng ký. Tuy nhiên, tới nay các cán bộ phụ trách lao động xã hội tại phường, xã, thị trấn vẫn chưa biết nhiệm vụ của mình như thế nào, khi có tranh chấp lao động thì phải xử lý ra nào? Và quyền lợi giám sát của họ đến đâu?

Không dễ thực hiện

Thực tế, từ trước đến nay việc thuê người giúp việc thường là thỏa thuận miệng giữa 2 bên từ mức lương đến mô tả công việc, điều này khiến việc thực hiện các quy định trong Nghị định rất khó. Bản thân người giúp việc không muốn bị trói buộc vào hợp đồng lao động, hơn nữa, công việc giúp việc khá đặc thù, khó xác định khung giờ làm việc và thời gian nghỉ ngơi. Nếu cứ áp dụng các quy định chung về giờ giấc, nghỉ ngơi, tiền lương… như các loại hình khác thì sẽ gây khó cho cả người giúp việc lẫn người sử dụng lao động.

Bà Trần Nguyệt Nga (phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hiện nhà bà đang thuê người giúp việc với giá 3,5 triệu đồng/tháng, chưa kể chi phí ăn ở, quần áo, tàu xe và các khoản thưởng thêm. So với quy định, mức ưu đãi này đã cao hơn. Tuy nhiên, nếu phải trả thêm tiền cho người giúp việc đóng BHYT và BHXH, chi phí bà phải trả thêm hàng tháng sẽ bị đội lên rất nhiều. Đồng thời, việc quy định thời gian nghỉ mỗi tuần của người giúp việc sẽ gián tiếp gây khó khăn cho gia chủ. “Nếu theo quy định, chúng tôi sẽ đưa tiền cho họ tự đi đóng bảo hiểm. Liệu như thế họ có đóng hay không? Hợp đồng lao động như thế nào, ai soạn thảo?”- Bà Nga băn khoăn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trần – Giám đốc Công ty TNHH cung ứng nhân lực Giúp Việc Tốt, việc thực hiện Nghị định này rất khó. Theo cách tính của ông Trần thì với mức lương vùng 1 như ở Hà Nội là 2,7 triệu đồng, mức đóng BHYT, BHXH cho người giúp việc là khoảng trên dưới 900.000 đồng. Như vậy, ngoài 3-3,5 triệu đồng lương trung bình trả cho người giúp việc như hiện giờ, chi phí chủ nhà phải bỏ ra sẽ đội lên khoảng gần 4 triệu đồng. Như vậy, tiền lương phải trả cho người giúp việc sẽ cao hơn nhiều so với mặt bằng chung hiện tại.

Xung quanh vấn đề đóng bảo hiểm cho người giúp việc, bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khẳng định, Nghị định 27 không bắt buộc chủ sử dụng phải đóng BHXH cho người lao động. Việc đóng BHXH hay không là phụ thuộc vào thỏa thuận của cả hai bên. Lao động giúp việc gia đình cũng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc vì đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là các cơ sở, đơn vị sử dụng từ 10 lao động trở lên. Nếu có thỏa thuận, người giúp việc sẽ tham gia chế độ BHXH tự nguyện. Trường hợp không tham gia BHXH thì trong hợp đồng lao động cần phân biệt rạch ròi đâu là khoản tiền lương, đâu là khoản BHXH trả cả vào lương.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ hướng dẫn các điều khoản trong hợp đồng như việc cung cấp thông tin giữa hai bên như thế nào, những việc nào trong quy định và những việc cấm như cấm ngược đãi, quấy rối, cưỡng bức, giao việc không có trong hợp đồng, trách nhiệm bồi thường của giúp việc gia đình và việc trừ lương từ chủ sử dụng… Việc hướng dẫn tiếp nhận các đăng ký hợp đồng lao động sẽ do các cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội ở các phường phụ trách. Đồng thời để người giúp việc hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình, trong thời gian tới Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng các tờ rơi tuyên truyền và thí điểm tập huấn triển khai tại một số địa phương.

 
Theo Xuân Thảo
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *