Quốc tế 24/05/2015 06:44

“Thành phố ma” ở Trung Quốc và nguy cơ vỡ nợ hàng loạt

Thành phố Ordos của Trung Quốc, nơi các tòa nhà chọc trời mọc lên từ đất nông nghiệp Nội Mông, giờ đã trở nên hoang vắng, cho thấy những hậu quả đầu tiên sau một thập kỷ bùng nổ xây dựng, Bloomberg ghi nhận.

Tập đoàn Đầu tư Huayan thành phố Ordos đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ liên quan đến lượng trái phiếu trị giá 1,2 tỷ Nhân dân tệ (194 triệu USD) nếu các nhà đầu tư không đồng ý gia hạn thêm thời gian chi trả vào tháng 12 tới.

Cũng trong tình trạng tương tự là Công ty Hengda Phát triển Hạ tầng Nội Mông. Công ty này đã phải đưa ra thông báo đối với các chủ nợ kêu gọi họ hoãn sử dụng quyền bán lại chứng khoán sở hữu cá nhân vào tháng 4 do tình trạng thiếu hụt tài chính.

Những người dân địa phương tại thành phố Hàm Đan, nơi bong bóng bất động sản vỡ và để lại những tòa nhà xây dựng dang dở, đã chặn các tuyến đường để phản đối những khoản đầu tư xấu.

"Nhiều công ty xây dựng nhỏ đang gặp rắc rối về tài chính. Đó là vấn đề mà Ordos phải đối mặt sau khi bong bóng bất động sản vỡ," Liu Yuan, giám đốc nghiên cứu của Centaline Group, tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc, cho biết.

Ordos từng có cơ hội phát triển khi ngành khai thác than đá bùng nổ, nhưng vào thời điểm hiện tại nó đang phải vật lộn với đà lao dốc của thị trường bất động sản. Theo các nhà phân tích, tình trạng suy sụp của thị trường bất động sản biến hơn một chục thành phố của Trung Quốc thành “thành phố ma”.

Việc kinh tế Trung Quốc hiện tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ năm 1990 cùng với sự chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống gây ô nhiễm sang các ngành dịch vụ đã gây áp lực lên những khu vực kém phát triển của nước này.

Điều này tạo sức ép lên những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của khu vực này, trong đó có chiến lược “Hướng Tây” được khởi động từ năm 2000 với mục tiêu thúc đẩy mạnh tăng trưởng ở sáu tỉnh trong đó có khu vực Nội Mông.

Tình hình khó khăn tài chính của những công ty xây dựng ở các thành phố nhỏ thậm chí còn trầm trọng hơn, theo Liu Dongliang, một nhà phân tích cao cấp của China Merchants Bank tại Thượng Hải.

Nhiều công ty phải nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Công ty Huayan tại thành phố Ordos có thể thanh toán trái phiếu trong tháng 12 tới nhờ được chính quyền địa phương đứng ra bảo đảm bằng một công cụ tài chính để chi trả các khoản nợ.

Trước đó, công ty này từng có một thời kỳ thịnh vượng. Năm 2012, Huaya tuyên bố sẽ dành phần lớn vốn từ trái phiếu cho việc xây dựng một trung tâm thương mại có diện tích tương đương sân vận động Olympic "Tổ Chim" tại Bắc Kinh, bao gồm một trung tâm mua sắm, siêu thị, các cửa hàng nội thất và đồ gia dụng.

Năm đó đánh dấu một bước ngoặt của thị trường bất động sản tại Ordos, khi diện tích sàn xây dựng bắt đầu trượt từ mức cao nhất lịch sử trong năm 2011.

Thị trường bất động sản của thành phố đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn sau giai đoạn phát triển quá nóng trong những năm trước đây. Điều đó góp phần gây nên cuộc khủng hoảng tài chính tại Ordos Huayan, khiến công ty này đối mặt với nguy cơ vỡ nợ cao khi thời hạn chi trả là cuối năm nay.

Tính đến cuối năm 2014, Huayan Ordos chỉ có 21,3 triệu Nhân dân tệ vốn chủ sở hữu so với 6,69 tỷ Nhân dân tệ các khoản nợ. Công ty này cũng có tổng cộng 170 triệu Nhân dân tệ các khoản vay ngân hàng quá hạn tại thời điểm cuối năm 2014, sau khi bị lỗ 726 triệu Nhân dân tệ trong năm ngoái.

Các công ty có trụ sở ở Ordos đã nỗ lực huy động vốn trước khi đến thời hạn trả lợi tức trái phiếu với giá trị kỷ lục 16,7 tỷ Nhân dân tệ vào năm tới. Các công ty này đã phát hành 22,1 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu trong năm ngoái, mức cao kỷ lục được ghi nhận.

Nguồn thu tài khoá của thành phố Ordos, nơi chiếm một phần sáu trữ lượng than đá của Trung Quốc, đã giảm trong năm 2014. Số lượng việc làm mới ở thành phố này đã giảm 20% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu thuê lao động của các ngành công nghiệp khai thác mỏ và xây dựng đều giảm.

"Việc chính quyền trung ương và địa phương có để cho các công ty xây dựng ở những thành phố nhỏ vỡ nợ hay không phụ thuộc vào quyết tâm của họ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế và khả năng các vụ vỡ nợ có gây ra rủi ro hệ thống hay không," ông Liu tại China Merchants Bank nhận định trên Bloomberg..

Theo Diệu Minh

VnEconomy

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *