Quốc tế 11/03/2015 08:33

”Ngòi nổ” nợ công

Nợ công có thể trở thành một “ngòi nổ” nguy hiểm với nền kinh tế Brazil lớn nhất khu vực Mỹ Latinh, đồng thời ảnh hưởng tới nền kinh tế của các quốc gia ở khu vực này.

Brazil là quốc gia có tỷ lệ nợ công cao nhất Mỹ Latinh hiện nay

 

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc trong báo cáo “Toàn cảnh tài chính Mỹ Latinh và Caribe 2015: Không gian chính sách và các vấn đề nan giải” công bố ngày 9-3 cho biết, nợ công của các quốc gia Mỹ Latinh hiện có cách biệt tương đối lớn. Trong khi tỷ lệ nợ công so với GDP của Brazil lên tới mức 63,5% GDP thì con số này của các quốc gia khác như Uruguay, Colombia và Argentina, Mexico, El Salvador, Costa Rica, Honduras, Cộng hòa Dominicana và Panama chỉ ở mức vừa phải, từ 36 đến 44% GDP; còn các nước Chile, Peru và Paraguay có tỷ lệ nợ công thấp nhất, dưới 22% GDP. 

Vào cuối những năm 80 của thế kỷ 20, nợ công trung bình ở khu vực Mỹ Latinh lên tới mức kỷ lục, 96% GDP, thậm chí tại Argentina, Bolivia, Ecuador, Honduras, Nicaragua, Panama và Peru, con số này xấp xỉ và thậm chí vượt 100% GDP và có quốc gia như Argentina đã phải tuyên bố vỡ nợ vào năm 2001. Cũng theo CEPAL, trong 25 năm qua, các nước Mỹ Latinh và Caribe đã có nhiều nỗ lực để giảm đáng kể tỷ lệ nợ nước ngoài, từ mức tương đương 70% GDP khu vực trong những năm 90 của thế kỷ 20 xuống còn 16% hiện nay. 

Dù nợ nước ngoài của Mỹ Latinh hiện đã nằm trong tầm kiểm soát của các quốc gia trong khu vực nhưng tỷ lệ nợ công ở mức khá cao và có dấu hiệu gia tăng như Brazil (từ 63% GDP cuối năm 2014 lên 63,5% hiện nay) đã khiến nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này phải rốt ráo thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công.

Trước tình hình kinh tế trong nước khó khăn, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff khẳng định Chính phủ nước này sẽ duy trì lâu dài chính sách thắt lưng buộc bụng, nhấn mạnh chính sách cắt giảm chi tiêu nhằm tái cân bằng nền kinh tế. Nhà lãnh đạo cánh tả này nêu rõ chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ được triển khai bằng việc cắt giảm chi tiêu Chính phủ song song với giảm ưu đãi thuế và trợ cấp tín dụng. 

Trong khi đó, Chính phủ Brazil đã thông báo kế hoạch “điều chỉnh tài chính từng bước”, theo đó cắt 30% các khoản chi tiêu hành chính của toàn bộ 39 bộ và các cơ quan khác của Chính phủ, cho phép tiết kiệm khoảng 8,4 tỷ USD/năm. Các khoản cắt giảm liên quan tới chi phí thường lệ của các bộ như chi phí  đi lại, mua sắm và dịch vụ, nhưng không ảnh hưởng tới ngân sách chi trả lương bổng, trợ cấp y tế và hưu trí cũng như các khoản chi ưu tiên khác… nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động. 

Một ngày sau khi CEPAL công bố số nợ công của Brazil cao nhất Mỹ Latinh, Ngân hàng đầu tư hàng đầu Thụy Sĩ Credit Suisse đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Mỹ Latinh trong năm 2015 xuống còn 1,3% từ mức 2,2% đưa ra hồi đầu năm. Theo ngân hàng này, nguyên nhân việc giảm dự báo tăng trưởng này là do triển vọng u ám của các nền kinh tế lớn trong khu vực như GDP của nền kinh tế Brazil lớn nhất khu vực giảm từ 0,5% xuống còn -0,6%, hay Mexico cũng giảm từ 3,9% xuống còn 3,3%...

Theo Hoàng Tuấn

ANTĐ

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *