Góc nhìn 22/08/2019 15:09

Việt Nam sẽ vượt Lào nếu GDP tính theo cách mới

Cách tính GDP mới của Tổng cục Thống kê giúp cho GDP bình quân đầu người tăng từ 2.590 lên 3.000 USD, quy mô nền kinh tế tăng thêm 40 tỷ.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Thành viên nhóm tư vấn Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Thu nhập bình quân đầu người theo cách tính mới (chưa công bố) tăng từ 2.590 USD lên 3000 USD (~15,8%). Với dân số hiện nay vào khoảng 97,53 triệu người thì quy mô GDP của cả nền kinh tế tăng từ 253 lên 293 tỷ USD (tăng 40 tỷ USD) theo cách tính mới.

Điều này có nghĩa là:

Thứ nhất, Việt Nam sẽ chính thức vượt qua Lào trên bảng xếp hạng thu nhập của Ngân hàng Thế giới (Theo tổ chức này, năm 2018 GDP/người của Lào là 2.568 USD còn của Việt Nam là 2.564 USD), góp phần cải thiện hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ 2, nợ công sẽ giảm từ 58,4% GDP hiện nay xuống còn khoảng 50,4% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia giảm từ 46,0% GDP hiện nay xuống còn dưới 40,0%. Xếp hạng tín nhiệm của quốc gia cũng theo đó mà tăng lên. So với trần nợ công 65% GDP thì Chính phủ còn rất nhiều dư địa để vay nợ.

Thứ 3, góp phần làm giảm thặng dư tài khoảng vãng lai/GDP và can thiệp mua vào ngoại tệ/GDP,  hai trong ba tiêu chí mà chính quyền của ông Donald Trump đang sử dụng để xác định một quốc gia thao túng tiền tệ để từ đó trừng phạt thương mại.

Thứ tư, giảm thâm hụt ngân sách/GDP. Nếu Quốc hội duy trì hạn mức thâm hụt 3,6% GDP như hiện nay thì Chính phủ sẽ có thêm 3,6%*40=1,44 tỷ USD để chi tiêu trong năm 2019. Các năm sau cũng thế.

Thứ năm, phần tăng thêm theo cách tính mới này chủ yếu đến từ khu vực phi chính thức (không/chưa quan sát được). Do vậy, khi sử dụng kết quả mới thì các tiêu chí phản ánh quy mô của khu vực công như quy mô của doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công,... tính theo tỷ lệ với GDP sẽ giảm xuống. Góp phần giúp Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường nhanh hơn.

Thứ 6, giúp năng suất lao động - yếu tố quyết định mức sống trong dài hạn nhưng lại là điểm yếu của Việt Nam - tăng đáng kể.

Và cuối cùng, với mức GDP cao hơn sẽ làm lành mạnh hệ thống tài chính tiền tệ của Việt Nam bởi khi đó các chỉ tiêu như tỷ lệ tín dụng/GDP, cung tiền/GDP, nợ xấu/GDP,... sẽ giảm xuống.

Nhìn chung tác động là tích cực, chỉ có "nồi cơm” của nhân dân là không có gì thay đổi.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *