Góc nhìn 14/07/2018 15:11

Việt Nam không thể chạy đua theo con đường đó

Trong “cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung, tất cả vấn đề hiện nay là do chúng ta, do cơ cấu kinh tế chứ không phải do tác động của hội nhập.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Tôi lo lắng về tác động đến tài chính, tiền tệ. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là không thể chạy đua được theo con đường này vì hoàn cảnh của mình khác. Mình mà gây xáo động vĩ mô lúc này thì rất bất lợi, mình đã có mấy bài học đau đớn rồi. Năm 2007 để CPI bùng lên, đến năm 2009 vọt lên 18% là bài học không ngọt ngào gì. 

Quan điểm của tôi là chia sẻ việc Chính phủ giữ vững ổn định vĩ mô, nhưng giữ vững không có nghĩa là đông kết mà giữ vững phải linh hoạt. Mà Chính phủ cũng nói rõ điều này. Tôi tin Chính phủ đang theo dõi sát sao hệ thống ngân hàng. 

Tiềm lực của họ khác, của mình khác, ta có hơn 60 tỉ đô la dự trữ ăn thua gì, thành ra mình không thể làm như họ được đâu. 

Nhưng nhớ lại hồi chống lạm phát những năm 80, lúc đó chúng ta mất cân đối vĩ mô khủng khiếp lắm. Lúc đó chúng tôi  tranh luận rất dữ, làm sao giải quyết được lạm phát lên đến 780%. Có hai luồng quan điểm: một là phải đẩy sản xuất lên, đẩy tiêu dùng lên, đẩy xuất khẩu lên... Nhưng thường trong cuộc đời, đẩy lên thì khó lắm, dìm xuống thì dễ hơn nên phải xem chỗ nào dìm?

Trong các cân đối: sản xuất – tiêu dùng; thu – chi ngân sách; tiền – hàng; xuất – nhập khẩu. Thay vì tăng thu, tăng sản xuất, tăng xuất khẩu,… rất khó khăn, thì ta dìm tiêu dùng xuống, dìm chi ngân sách xuống, dìm nhập khẩu xuống, và nhất là dìm cung tiền xuống. Lúc bấy giờ có người cực đoan nói là phải phá máy in tiền đi. Câu này của Lê Nin thôi, chứ cũng không phải của ông ấy đâu. Cuối cùng cách này thành công, 4 tăng lúc đầu thì không thất bại, 4 giảm thì thành công. Đó là bài học của những năm 80.

Bây giờ tình hình của mình “oách” hơn nhiều, ổn định hơn. Nhưng xu hướng chung tôi nghĩ là phải dìm xuống. Chi ngân sách chúng ta còn quá cao, chi thường xuyên còn quá cao, dù bội chi đã dìm xuống còn trên 3% rồi, nhưng rõ ràng cũng chưa đạt mức cần thiết. Quan điểm của tôi là phải giảm chi tiêu đi và phải theo dõi rất chặt chẽ để điều hành vĩ mô. Với giá (đồng NDT) thế này thì nhập khẩu sẽ tăng lên. Chúng ta phải làm sao thay thế được nhập khẩu, tăng nguồn lực trong nước, mình nói mãi nhưng chưa làm được nhiều.

Văn kiện Đại hội 12 có điểm mới là khẳng định đi đôi với xuất khẩu phải chú trọng thị trường trong nước. Vậy mà mấy năm rồi vế thứ hai chưa có chuyển biến đáng kể. Nếu không dùng cơ hội này để đẩy thị trường trong nước lên thì cứ bị động mãi.   

Còn về cuộc chiến thương mại, Việt Nam có nguy cơ trở thành nơi gia công hàng Trung Quốc để xuất khẩu ra bên ngoài hay không? Thì tôi thấy từ nguy cơ quá nặng nề. Trong thế giới tùy thuộc lẫn nhau thế này thì nước chảy chỗ trũng thôi, chỗ nào có lợi nhất thì người ta làm và mình cũng phải thế thôi. Bây giờ cảnh giác đến mức đóng hết cửa là yên tâm nhất. Nhưng vấn đề là phải cảnh giác giữa cái được - cái mất. 

Còn “bài” đó là bài thường thấy, chưa có “chiến tranh” thương mại người ta đã làm rồi. Nhật Bản cũng làm thế, Hàn Quốc cũng làm thế, mình nên nhìn nhận bình thường. Cuộc chơi quốc tế, người ta đều làm thế cả. Vấn đề là nước chủ nhà khôn đến chừng mực nào, khéo đến chừng mực nào để đừng gây hệ lụy cho mình và lấy lại mối lợi nhiều nhất có thể. Còn không ai ngồi im cả đâu, mà mình cũng không nên ngồi yên. 

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *