Góc nhìn 05/12/2018 09:43

Thiếu điện đổ lỗi cho ai?

Với thói quen “nước ngập đến cổ mới nhảy”, vừa qua Thủ tướng tuyên bố đại ý, nếu cắt điện (vì thiếu điện) thì BCT hay EVN phải chịu trách nhiệm và bị xử lý. Như vậy là không sòng phẳng!

Vì sắp tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc không được cung cấp đủ điện là do các nguyên nhân chính (xếp theo thứ tự quan trọng) như sau:

Thứ nhất, về phía cung cấp điện: Theo Quy hoạch Điện đã được Thủ tướng phê duyệt thì, các dự án phát triển nguồn điện ngoài EVN (của PVN, của TKV, và của các DN tư nhân (trong và ngoài nước) khác đều đang bị chậm tiến độ.

May cho EVN là các dự án nguồn (và cả lưới điện) do EVN chịu trách nhiệm đều vượt tiến độ. Coi thường hay bỏ ngoài tai mọi cảnh báo, mặc dù biết một dự án nguồn điện (600-1200MW) từ khi được Quy hoạch đến khi “ấn nút” khánh thành đưa vào sử dụng ít nhất cũng mất 6 năm, trong đó 3 năm chờ “kiến tạo” giấy phép và 3 năm xây dựng.

Thứ 2, về phía sử dụng điện: Việt Nam là nước đang dẫn đầu về sử dụng lãng phí và không hiệu quả điện năng. Mức tiêu hao điện bình quân để làm ra được 1U$ giá trị GDP của Việt Nam cao hơn mức bình quân của thế giới là 3 lần. Mỗi kWh điện ở Việt Nam chỉ làm ra được hơn 1U$ GDP, trong khi trên thê giới, người ta làm ra được 3-5U$.

Để GDP của Việt Nam tăng trưởng được 6%/năm, thì nguồn cung cấp điện phải tăng 9%/năm (tăng nhanh hơn 1,5 lần). Cái “1,5” này gọi là “hệ số đàn hồi về năng lượng”. Đối với các nước G7, G8, hay G20, hệ số này nhỏ hơn 1. Hệ số này càng lớn hơn 1 thì càng được xếp xuống cuối bảng.

Thứ 3 là về giá điện nói riêng, giá năng lượng nói chung ở Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với ở những nước trong khu vực có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Đây chính là nguyên nhân lãng phí và kém hiệu quả trong sử dụng điện.

Yếu tố thứ 4 là cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng được hình thành theo hướng tiêu hao nhiều điện. Các ngành sản xuất cần nhiều năng lượng (như luyện kim, luyện nhôm, cán thép, xi măng, phân bón, lắp ráp điện tử,...) đang phát triển nhanh hơn các ngành dịch vụ.

Trong số đó, việc phát triển dự án điện phân nhôm ở Tây Nguyên là một sai lầm rất nghiêm trọng. Trên thế giới, chỉ có những nước thừa điện mới dám nghĩ đến điện phân nhôm, và phải điện phân bằng thủy điện.

Xuất khẩu nhôm kim loại là xuất khẩu điện. Sẽ được coi là “chơi trội” nếu biết thiếu điện vẫn đầu tư điện phân nhôm. Hơn thế nữa, sẽ được coi là ngu xuẩn nếu giá bán điện cho luyện nhôm lại được “ưu tiên” và thấp hơn giá điện bán cho dân.

Thứ 5 là việc quản lý (hay tư duy) phát triển các nguồn điện đang có vấn đề. Thủy điện vừa và nhỏ rất có hiệu quả, làm nhanh, nhưng không quản được (do phân cấp tràn lan) thì bị cấm. Nguồn thủy điện có thể nhập khẩu với giá rẻ từ Lào thì không tham gia đầu tư. Tình hữu nghị “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững” nhưng chẳng bao giờ có quả.

Cuối cùng là việc cấp than, cấp khí cho điện: Nguồn khí và nguồn than trong nước đang cạn kiệt nhanh. Trong khi đó, vốn đầu tư cho thăm dò dầu khí ngày càng giảm, còn vốn đầu tư cho thăm dò than thì đã “về mo”. Hơn 70% nguồn nhiệt điện sẽ bị phụ thuộc vào nhập khẩu than và nhập khẩu khí từ nước ngoài. Đến nay, vẫn “ăn đong” từng chuyến tầu nhập khẩu, người “chém gió” thì nhiều, còn người hiểu về nhập khẩu than và nhập khẩu khí thì chẳng có ai.

Trách nhiệm về việc thiếu điện cần được lần lượt xem xét theo trình tự sau:

1/ Chính phủ (chịu trách nhiệm cả phía cung cấp điện và phía dùng điện);

2/ Bộ Công Thương (chịu trách nhiệm phía cung cấp điện và ½ phía dùng điện);

3/ TKV (nhiều dự án nguồn điện và nguồn than đều chậm tiến độ);

4/ PVN (chậm tiến độ nguồn điện và nguồn khí);

5/ Các chủ đầu tư còn lại của các dự án BOT, BOO, IPP,...

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *