Góc nhìn 28/02/2018 10:58

Tăng thuế môi trường với xăng dầu, phải siết chặt chi tiêu

“Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu thì các tiêu cực phát sinh từ tiêu dùng xăng dầu có thể giảm xuống như bớt kẹt xe, bớt ô nhiễm. Tuy nhiên, việc này sẽ chỉ có tác động có lợi khi việc sử dụng nguồn thu này một cách hiệu quả, nếu tiếp tục chi tiêu bất cập thì “thuế chồng thuế”, người dân sẽ thiệt đủ mọi mặt”.

Ông Huỳnh Thế Du (Giảng viên Đại học Fulbright)

Liên quan đến thuế bảo vệ môi trường, một số nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng ngoại tác tiêu cực từ xăng dầu gây ra từ 10-20 nghìn đồng/lít. Nếu mức này đúng ở Việt Nam, để giảm thiểu các tác động của ngoại tác tiêu cực thì có thể tăng loại thuế này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại thì đề xuất tăng thuế này vấp phải sự phản đối rất lớn của dư luận bởi tâm ký người dẫn vốn đã rất bức xúc về thuế khoá nặng nề. Trong khi đó, việc chi ngân sách cao lại kém hiệu quả.

Việc tăng thuế thời điểm này sẽ làm người dân hiểu rằng ngân sách khó khăn, do chi tiêu không hiệu quả nên tăng thuế chứ không phải vì bảo vệ môi trường. Do vậy muốn được sự đồng thuận của người dân, cần phải cân nhắc yếu tố này.

Nếu cứ cố tăng, niềm tin của người dân đối với nhà nước có khả năng bị ảnh hưởng. Thời điểm bây giờ thì không nên tăng được, tạo hiệu ứng bức xúc.

Muốn giải quyết được vấn đề này, đầu tiên đảm bảo chi tiêu sao cho tiết kiệm, hiệu quả. Chi tiêu ngân sách không hiệu quả là một vấn đề rất lớn ở Việt Nam.

Không còn cách nào khác giờ phải siết chặt chi tiêu. Nếu không chi hiệu quả mà cứ tăng thu kiểu vậy thì sẽ tăng sự bức xúc của người dân. Hãy giải quyết vấn đề cốt lõi, căn cơ trước trước khi tính đến việc tăng thu.

Tiếp theo, Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo cũng cần phải có những giải thích rõ ràng. Nếu thực sự để bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính khi đưa ra đề xuất tăng thuế phải làm rõ thu bao nhiêu từ đề xuất này và sẽ chi bao nhiều vào bảo vệ môi trường. Mỗi lít xăng gánh thêm 1.000 đồng thì ngân sách tăng thêm mấy nghìn tỷ đồng mỗi năm. Vậy số tiền này sẽ được chi như thế nào.

Nếu Bộ Tài chính làm rõ được việc sẽ dùng số tiền này xử lý vào việc bảo vệ môi trường các khoản như thế nào thì sẽ dễ nhận đồng thuận từ người dân hơn. Nếu không thì tác sự nghi ngờ của công chúng không phải là không có lý.

Về tác động nếu đề xuất tăng thuế được chấp thuận, cần phải xem xét lợi ích của việc tăng thuế có lớn hơn những thiệt hại của việc tăng thuế này gây ra không. Không ai khác, Bộ Tài chính phải là cơ quan có những nghiên cứu, tính toán sơ bộ cho vấn đề này. Nếu hợp lý, công chúng sẽ ủng hộ hơn.

Việc tăng thuế này sẽ tác động đến năng lực cạnh tranh một số ngành nghề nhất định. Tuy nhiên, chưa chắc đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế. Tăng thuế thì các tiêu cực phát sinh từ tiêu dùng xăng dầu sẽ giảm xuống như bớt kẹt xe, bớt ô nhiễm. Tuy nhiên, việc này sẽ chỉ có tác động có lợi khi việc sử dụng nguồn thu này một cách hiệu quả, nếu tiếp tục chi tiêu bất cập thì “thuế chồng thuế”, người dân sẽ thiệt đủ mọi mặt.

Chuyên mục: Góc nhìn
Huỳnh Thế Du
Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam

Ông Huỳnh Thế Du là giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Ông nhận bằng thạc sỹ quản lý công tại Trường Harvard Kennedy năm 2010 và bằng tiến sỹ tại Trường Kiến Trúc Harvard năm 2013.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *