Góc nhìn 17/04/2020 06:00

Suy ngẫm về suy thoái kinh tế

Nền kinh tế khi phát triển bình thường như một cơ thể ở trạng thái khỏe mạnh, lúc kinh tế khó khăn cũng giống cơ thể bị đau ốm.

Ông Ngô Văn TuyểnTổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEA)

Người hay ốm vặt nhiều khi là cơ thể đang chống chọi với các tác nhân gây bệnh. Ốm cũng là lúc cơ thể sinh ra các kháng thể. Người chẳng ốm bao giờ có khi một cơn cảm cúm hoặc sốt rét bất ngờ có thể quật ngã.

Dân số thế giới tăng hàng năm, có nước tăng một vài phần trăm, có nước không tăng, thậm chí lại giảm đi. Thế nhưng kinh tế lại cứ muốn tăng nhiều phần trăm, đã từng có nước đạt tốc độ tăng trưởng liên tục hai con số. Kinh tế phát triển để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao. Có nước cần nhanh chóng tích luỹ của cải, gia tăng tiềm lực nhằm các mục tiêu lớn hơn. Càng thoát xa khỏi mức độ đói khát, người ta càng khát tham vọng.

Mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung ngày trước ở trình độ cao có vẻ như luôn muốn xác lập sự cân bằng giữa cung và cầu, cũng như kiềm chế nhu cầu với việc sử dụng nguồn lực và tài nguyên hợp lý. Một mô hình không đạt được sự phồn thịnh nhưng giống một cơ thể không khỏe mạnh, hay ốm yếu nhưng ốm xong lại hồi phục, lại có thể đi làm. Một mô hình có giải thể doanh nghiệp, nhưng không có phá sản, không thừa nhận thất nghiệp.

Một nền kinh tế thị trường với môi trường cạnh tranh, doanh nghiệp phải vận động không ngừng. Động lực của nhà tư bản, mục đích của các cổ đông về cơ bản vẫn là lợi nhuận, nhưng để kiếm được tiền doanh nghiệp phải đảm bảo không được tụt lại trong cuộc đua tranh. Cuộc chạy đua vắt kiệt cả sinh lực nguồn nhân lực, vắt kiệt cả tài nguyên thiên nhiên, thô bạo đối với môi trường sống. Trong thực tế không thể có những cuộc chạy đua cứ liên tục gắng sức.

Năm 1800 dân số thế giới mới chỉ có 1 tỷ người. Sau hơn 200 năm dân số đã gần gấp 8 lần. Con người đông hơn, trí tuệ phát triển hơn, thì sự tác động đến tự nhiên tính theo chu kì 10 năm trong những năm gần đây đã theo cấp số nhân về mức độ ảnh hưởng tiêu cực. Trước đây cả một đời người không thấy có những biến đổi về môi trường, khí hậu, giờ thì diễn biến rõ nét ngay trong một thế hệ.

Tự nhiên có những quy luật vượt ra khỏi tầm hiểu biết và quyền lực của con người. CoronaVirus liệu có phải là ngẫu nhiên, liệu có phải là do bất cẩn của con người hay là sản phẩm vô hình của quy luật tự nhiên. Covid-19 chưa phải là nhằm tiêu diệt con người, không lấy đi số sinh mệnh bằng cúm mùa hoặc nhiều bệnh tật, tai nạn khác do chính con người gây ra, nhưng lại có sức mạnh cầm chân tất cả các quốc gia hùng mạnh nhất.

Kinh tế đình trệ do dịch bệnh, các doanh nghiệp lớn toàn cầu như các võ sĩ trên võ đài tạm hưu chiến, các doanh nghiệp nhỏ như các nhân vật phụ phục vụ đấu sĩ được xả hơi. Tạm dừng càng dài ngày thì sẽ có các võ sĩ không giữ được phong độ, không thể thi đấu, những người ăn theo vì thế cũng phải đi tìm việc khác. Một giai đoạn nghỉ ngơi bắt buộc thử thách từng doanh nghiệp, đồng thời cũng buộc các doanh nghiệp suy nghĩ lại trong chiến lược phát triển của mình.

Kinh tế Việt Nam ở quy mô nhỏ, phụ thuộc các thị trường lớn, phụ thuộc nhiều vào người chơi toàn cầu. Ảnh hưởng của dịch bệnh càng ngày càng có nhiều cá thể bị tác động. Nhiều vấn đề an sinh xã hội nảy sinh đến nỗi việc giải quyết nó chỉ có thể trông chờ vào việc mở lại nền kinh tế. Tuy vậy, nền kinh tế chỉ có thể được mở hoàn toàn khi quốc tế không còn vướng bận với virus. Trong khi đó có vẻ như virus đến và đi còn có liên quan đến vấn đề cần giải quyết giữa con người và tự nhiên.

Ta mới qua hai tuần chịu thực hiện giãn cách xã hội, cuộc sống có nhiều đảo lộn. Lúc bình thường không có nhiều để ý quan tâm đến nhau giữa các cá thể trong một địa bàn. Giờ là lúc con người có thời gian nhìn sang xung quanh mình, bớt đi những thờ ơ, lạnh lùng. Người gặp khó khăn cũng không nhất thiết phải quá tự trọng đến mức mà người muốn giúp đỡ cũng không dám mở lòng. Giai đoạn khó khăn còn dài. Kinh tế gặp phải suy thoái cũng là bình thường, như cuộc đời con người có lúc ốm nặng, chẳng đáng bi quan. Hiểu được đợt dịch bệnh này sẽ khiến ta kiên nhẫn hơn.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *