Góc nhìn 11/05/2018 09:01

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Cách đây hơn bốn thập kỷ, ít ai hình dung Trung Quốc lại có thể trở thành một nền siêu cường kinh tế như hiện nay. GDP tính theo ngang bằng sức mua năm 2017 của Trung Quốc là 23,2 nghìn tỷ đô la so với 19,4 nghìn tỷ đô la của Mỹ. Họ cũng có nhiều công ty tầm cỡ toàn cầu.

Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chính sách công, 

Đại học Fulbright Việt Nam

Kết quả này là nhờ công sức của Đặng Tiểu Bình và những cộng sự với chiến lược cải cách “dò đá sang sông”.

Ở bối cảnh lúc đó và bản thân bị Mao Trạch Đông cho “lên bờ xuống ruộng” mấy lần, khi lên nắm quyền, nhiều người đã nghĩ rằng việc làm đầu tiên của ông Đặng là tháo chân dung của ông Mao khỏi Thiên An Môn và xóa bỏ hệ thống của ông Mao.

Tuy nhiên, ông đã không làm như vậy. Ông Đặng hiểu rằng hệ thống hiện tại vẫn đang vận hành Trung Quốc. Gần 40 triệu đảng viên và hơn 80 triệu công chức Trung Quốc vẫn cần sống, nếu đập bỏ có khả năng gây ra đại loạn.

Do vậy, ông Đặng vẫn để cho hệ thống hiện tại vận hành với sự điều hành của Trần Vân, nhân vật thứ hai sau ông và là người theo thiên hướng bảo thủ còn bản thân ông thì tập trung tạo dựng cái mới.

Để chế ngự và chuyển hóa tính chất bảo thủ còn sâu đậm trong toàn bộ hệ thống kinh tế - chính trị, ông đã tập hợp các nhân vật cấp tiến như: Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương và Giang Trạch Dân, Chu Dung Cơ…để lãnh đạo quá trình cải cách và sử dụng mô hình đặc khu kinh tế, mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài để kích hoạt nền kinh tế.

Những cách thức mà Đặng Tiểu Bình đã sử dụng để vực dậy một nước Trung Hoa điêu tàn dưới thời Mao Trạch Đông là rất đáng tham khảo và được Ezra Vogel (2011) mô tả rất kỹ trong ‘Đặng Tiểu Bình và sự Chuyển đổi ở Trung Quốc’.

Trung Quốc đang có trỗi dậy và phải chăng sắp tới là thời của Trung Quốc?

Những gì đang xảy ra có vẻ là như vậy. Martin Jacques (2009) cho rằng, tăng trưởng kinh tế ổn định, nhất là trong thời điểm suy thoái đang xảy ra ở các nước phương Tây phải dẫn đến một sự chuyển dịch quyền lực địa chính trị khi mà cân bằng toàn cầu sẽ chuyển đến Đông Á và đến nước đông dân nhất ở khu vực.

Tuy nhiên, những nghi ngờ về khả năng trỗi dậy của Trung Quốc cũng có cơ sở.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dựa trên một nền tảng thể chế chính trị có nhiều yếu tố khai thác nên khó có thể bền vững nếu không có những cải cách chính trị để trở nên dung nạp hơn.

Samuelson đã từng sai lầm khi cho rằng nền kinh tế Liên Xô sẽ vượt qua nền kinh tế Hoa Kỳ. Trên thực tế, Liên Xô đã sụp đổ. Sở dĩ Liên Xô đã đạt được tốc độ tăng trưởng thần kỳ trong thập niên 1950-1960, cho dù các nguồn lực được sử dụng rất lãng phí, là do năng suất của lĩnh vực được tập trung đầu tư rất cao.

Cụ thể ở đây là chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp nặng. Ví dụ trong giai đoạn đầu một đồng vốn chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp nặng sẽ tạo ra bốn đồng lời. Cho dù có lãng phí mất hai đồng thì vẫn còn 2 đồng.

Tuy nhiên, theo thời gian, năng suất cao dần biến mất và sự lãng phí gia tăng do cha chung không ai khóc, người lao động không có động cơ làm việc và sáng tạo. Kết quả tất yếu là sự kết thúc của Liên bang Xô Viết và mô hình XHCN thuần túy đã thất bại.

Sự tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong thời gian qua cũng được lý giải tương tự như thời hoàng kim của Liên Xô.

Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông trở nên tiêu điều, nguồn lực được sử dụng rất kém hiệu quả và nền tảng của xã hội bị tàn phá với những Đại nhảy vọt, Cách mạng văn hóa…

Các chính sách hợp lý của Đặng Tiểu Bình và những cộng sự của ông đã định hướng việc sử dụng nguồn lực vào những lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn.

Tuy nhiên, những dư địa cho tăng trưởng dần cạn kiệt và những nhóm đặc quyền được hình thành rõ nét và trở nên mạnh mẽ hơn đã đặt Trung Quốc trước một thách thức rất lớn trong thời gian tới. Điều lạc quan là các thể chế kinh tế ở Trung Quốc hiện tại mang tính chất dung hợp hơn thời Xô Viết rất nhiều.

Sự cọ xát và xung đột giữa các thể chế kinh tế dung hợp và thể chế chính trị khai thác đang diễn ra ngày một gay gắt hơn.

Nếu cấu trúc thể chế tước đoạt không được điều chỉnh hợp lý thì lời nguyền của bẫy thu nhập trung bình là khó tránh khỏi đối với Trung Quốc.

Ngược lại, nếu Trung Quốc có thể tiến hành cải cách để trở nên hiệu quả và hợp lý hơn thì khả năng trở thành một siêu cường là rất rõ ràng.

Khả năng nào sẽ xảy ra đối với Trung Quốc? Tiếp tục lớn mạnh để trở thành bá chủ thể giới hoặc sẽ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình? Kịch bản nào sẽ tốt hơn cho Việt Nam?

Chuyên mục: Góc nhìn
Huỳnh Thế Du
Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam

Ông Huỳnh Thế Du là giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Ông nhận bằng thạc sỹ quản lý công tại Trường Harvard Kennedy năm 2010 và bằng tiến sỹ tại Trường Kiến Trúc Harvard năm 2013.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *