Góc nhìn 08/09/2020 09:23

Nhận xét về chính sách ngoại hối hiện nay

Dự trữ ngoại hối của VN liên tục tăng trong cả năm nay, vì theo báo cáo của NHNN, cán cân thương mại trong 8 tháng đầu năm thặng dư khoảng 11 tỷ USD, chủ yếu do nhập khẩu thu hẹp nhanh hơn xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Dù chưa nhìn vào số liệu chi tiết của cán cân thanh toán, nhưng tôi đoán cán cân vốn cũng thặng dư. Do đó, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào liên tục, khiến dự trữ tăng lên như vậy. Việc mua này theo tôi là cần thiết, nếu không tiền Việt sẽ lên giá (tức là tỷ giá ngoài thị trường sẽ giảm).

Đồng tiền Việt lên giá sẽ gây bất lợi cho người xuất khẩu Việt Nam khi thu tiền về. Đồng thời, những năm gần đây, nhờ chính sách ổn định tỷ giá và lãi tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ bằng không, hiện tượng đô la hóa đã giảm đáng kể. Do đó, đối với chính sách ngoại tệ, chỉ cần duy trì ổn định tỷ giá là được, không cần phải dùng đến biện pháp tăng giá đồng Việt. (Nền tảng cho sự ổn định này đã được thiết lập vững chắc dưới thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình và tiếp tục được duy trì cho tới nay).

Việc tích lũy thêm dự trữ ngoại hối một cách liên tục, có thể gặp rủi ro là Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Cáo buộc này không sai. Vì nếu không thao túng tiền tệ, thì anh hãy để tiền Việt lên giá đi, khi anh đang có thặng dư trên toàn bộ cán cân thanh toán. Nước Mỹ có thể nói như vậy. Và họ nói thế là có cơ sở.

Quan điểm của tôi là Việt Nam nên sử dụng tối đa các biện pháp ngoại giao để xoa dịu Mỹ, nếu rủi ro này tăng lên. Trong khi đó, vẫn tiếp tục bướng bỉnh duy trì chính sách này trong thực tiễn. Vì việc tiếp tục can thiệp vào thị trường nhằm tăng dự trữ ngoại hối là cần thiết. Theo ước tính của tôi chúng ta cần tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng 6 tháng nhập khẩu. Trong tình trạng hiện nay, mục tiêu cụ thể trong vòng 12-18 tháng tới nên là hướng tới mốc 150 tỷ USD. Theo thời gian, quy mô của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, và cùng với đó là quy mô xuất - nhập khẩu, thì mục tiêu của dự trữ ngoại hối có thể còn cao hơn nữa.

Sắp tới khi có phục hồi kinh tế sau Covid-19, nhu cầu USD của Việt Nam có thể tăng nhanh trở lại. Khi đó, chúng ta sẽ phải sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp. Lúc này, dự trữ ngoại hối có thể giảm hoặc ít nhất cũng không tăng như vừa qua. Đó là chuyện bình thường trong điều hành, như nước trong đập thủy điện lúc đầy lúc vơi.

Tóm lại, việc dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng không phải là một kỳ tích, vì nó chỉ đơn giản là phản ánh diễn biến của nền kinh tế, cũng như quan điểm điều hành của NHNN. Và trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng đó là chính sách phù hợp. Chỉ cần lưu ý, là nên trung hòa vừa đủ số ngoại hối mua được, tránh gây lạm phát. (Tôi dùng từ "vừa đủ" hàm ý rằng có thể trung hòa hơi lỏng một chút, không cần quá chặt chẽ, vì như thế cũng là một cách nới lỏng nhẹ tiền tệ, phục vụ cho mục đích chống suy giảm kinh tế trong thời gian dịch Covid.)

Hàm ý cho dân buôn tiền: Tỷ giá sẽ tương đối ổn định trong những tháng tới, tức là giữ USD không có lợi. Chưa kể nếu Mỹ tiếp tục hắng giọng nặng nề hơn với Việt Nam, tỷ giá trên thị trường có thể sẽ giảm.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *