Góc nhìn 12/06/2018 09:30

Nguy cơ "đại chiến" chung cư?

Việc cư dân chung cư kiện chủ đầu tư hay chính quyền địa phương khó đi đến đâu. Nguy cơ lớn hơn có thể xảy ra là "đại chiến" chung cư.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành

Nhiều trường hợp chủ đầu tư dự án chung cư cố tình làm sai. Chẳng hạn như việc, chủ đầu tư lấy diện tích công cộng, dịch vụ - nơi lẽ ra sẽ làm siêu thị, nhà hàng, quán, cà phê, giải trí..., chia nhỏ và xây dựng thành các căn hộ để thu thêm tiền.

Việc đó là sai hoàn toàn, Nhà nước và cư dân chung cư đều không thể chấp nhận. Thế nhưng, hiện tượng này trong khoảng 2 năm trở lại đây trở nên phổ biến và xuất hiện dưới cái tên mỹ miều là officetel, shophouse.

Officetel lấy tên của nước ngoài, chỉ nơi dành cho những người trẻ khởi nghiệp vừa làm văn phòng và vừa làm chỗ ở. Thế nhưng khi sản phẩm này qua Việt Nam, nó bị biến tướng thành căn hộ nhỏ, diện tích chừng 30-40m2, dưới tiêu chuẩn quy định của Nhà nước Việt Nam. 

Không những vậy, Chủ đầu tư của các dự án trên còn có thể lách luật 3 lần: Thứ nhất, Nhà nước chưa cho phép căn hộ dưới 45m2 nhưng officetel và shophouse lại có những căn dưới 45m2.

Thứ hai, theo quy định căn hộ ở chỉ được ở, không được làm văn phòng, không có người sinh hoạt thường xuyên ở đó ngoại trừ gia chủ. Nhưng officetel lại cho phép làm văn phòng, nghĩa là một ông chủ có thể mướn 5-6 nhân viên đến làm việc. 

Như vậy, số người trong mỗi  officetel còn nhiều hơn cả số người ở trong mỗi căn hộ, từ đó nó gây áp lực lên các dịch vụ như điện, nước, thang máy, chỗ để xe..., làm nghẽn mạch sinh hoạt, lấy đi những tiện ích của cư dân đó.

Thứ ba, đây là một cách trục lợi của chủ đầu tư. Chẳng hạn, ban đầu, khi chủ đầu tư bán chung cư, họ chỉ tuyên bố chung cư có 500 căn hộ. Đến khi bán hết 500 căn hộ, họ mới đưa ra các officetel, shophouse và bán thêm một lần nữa, còn diện tích làm officetel và shophouse không phải là diện tích ở mà là diện tích công cộng, phục vụ cho 500 căn hộ ở nói trên. 

Như vậy, vô hình trung, chủ đầu tư đã "đánh cắp" diện tích phục vụ cho người dân ở và đẩy vào một số lượng nhất định các căn hộ vừa ở vừa dịch vụ officetel, shophouse chiếm đến 20-40% số cư dân  trong căn hộ. 

Điều này khiến cư dân  bức xúc, họ cảm thấy như bị gạt, bị lợi dụng. Lẽ ra những diện tích đó là để cư dân tận hưởng dịch vụ thì chúng bị biến thành nơi để người khác ở, cạnh tranh với cư dân chung cư về mọi mặt, từ thang máy, thang bộ, điện, nước, đặc biệt là cạnh tranh tầng hầm để xe trong bối cảnh chỗ để xe đang khan hiếm.

Những cảnh báo mà tôi đưa ra cách đây 1 năm đang bắt đầu lộ dạng. Trước sau chung cư sẽ xảy ra tranh chấp, thậm chí là "đại chiến" khi cư dân trong các căn hộ ở không nhìn nhận các căn officetel, shophouse.

Đầu tiên cư dân sẽ khiếu nại lên chính quyền các cấp. Nhưng việc kiện doanh nghiệp, kiện chính quyền địa phương chỉ là chuyện nhỏ và khó đi đến đâu vì luật của Việt Nam khởi kiện rất lâu, giải quyết rất chậm, hàng năm vẫn chưa xong. 

Trong trường hợp khiếu nại, chính quyền các cấp có thể giải quyết hoặc không giải quyết, hoặc giải quyết không thỏa đáng. Khi ấy, cư dân sẽ dùng quyền phủ quyết, quyền từ chối của mình để không nhận gửi xe, không đồng ý cho những người mua officetel, shophouse sử dụng thang máy, điện nước... Đó là nguy cơ cao, tranh chấp lớn và Nhà nước rất khó giải quyết hậu quả của việc này. 

Doanh nghiệp thì đã bán căn hộ lấy tiền, thậm chí phá sản hay đi nơi khác, cư dân cũng chịu thiệt thòi nhưng họ là số đông, có quyền. Nên cuối cùng, khi họ sử dụng biện pháp "không nhìn nhận" nói trên thì chính những người mua officetel, shophouse là người thiệt thòi nhất, thậm chí còn có thể mất trắng.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *