Góc nhìn 01/04/2015 10:14

Mất tiền khi sử dụng điện thoại thông minh: Người tiêu dùng tránh “bẫy” như thế nào?

Hiểu biết tối thiểu khi sử dụng, tránh cài đặt các phần mềm ứng dụng, trò chơi không rõ nguồn gốc… là những cách để tránh mất tiền oan khi sử dụng smartphone (điện thoại thông minh).

Mất tiền khi sử dụng điện thoại thông minh: Người tiêu dùng tránh “bẫy” như thế nào? 1
Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc bộ phận an ninh mạng BKAV. Ảnh: P.B.
 
Đủ kiểu “bẫy” người sử dụng

Smartphone ngày nay đã trở nên phổ biến, với rất nhiều tính năng, trò chơi hấp dẫn, vì vậy đối với cuộc sống hàng ngày của không ít người, nó là một trong những vật dụng không thể thiếu. Tuy nhiên, tình trạng mất cắp thông tin, dữ liệu, danh bạ… từ smartphone đang ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt gần đây, rất nhiều người dùng smartphone phản ánh về việc bị tính cước hàng trăm nghìn đồng tiền dịch vụ giá trị gia tăng (VAS) trong khi không hề sử dụng nó.

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc bộ phận an ninh mạng của BKAV Nguyễn Minh Đức cho biết, nguyên nhân là người sử dụng khi cài đặt các phần mềm, trò chơi đã vô tình bị các đoạn mã ẩn trong các ứng dụng này âm thầm gửi câu lệnh đến các đầu số có kinh doanh VAS. Theo ông Đức, cơ chế tạo ra các đoạn mã ẩn trong phần mềm ứng dụng hoặc trò chơi không có gì khó, nhưng để phát hiện qua cách thông thường lại cực khó. Xuất hiện nhiều nhất là các phần mềm ứng dụng, trò chơi cho các điện thoại trên nền tảng android và iOS. Đánh vào tâm lý người tiêu dùng ở Việt Nam cái gì cũng thích “miễn phí”, nhiều công ty kinh doanh VAS đã tung ra nhiều trò chơi, ứng dụng miễn phí để “bẫy” người tiêu dùng. “Theo đó, trong mỗi phần mềm ứng dụng, trò chơi miễn phí này đều được cài đặt một đoạn mã, các đoạn mã này chạy ẩn mà người sử dụng không thể biết được, theo mặc định, các đoạn mã này sẽ gửi những câu lệnh đến các đầu số có kinh doanh VAS. Mỗi câu lệnh được gửi đi, đồng nghĩa với người tiêu dùng bị trừ một khoản tiền trong tài khoản”, ông Đức cho biết.

 

Mất tiền khi sử dụng điện thoại thông minh: Người tiêu dùng tránh “bẫy” như thế nào? 2

Một ứng dụng có đoạn mã độc gửi đến đầu số 8777.

Đã từ lâu, trên các diễn đàn công nghệ có rất nhiều chủ đề về công nghệ trong nước xôn xao chuyện một vài ứng dụng "ác ý" do người Việt viết đưa lên Google Play hoặc iOS nhằm bí mật “bòn rút” tài khoản điện thoại của người sử dụng. Trong đó, nhiều nhất là các ứng dụng do người Việt viết ra như: Đôrêmon, 7 viên ngọc rồng, nhạc chờ, các trò chơi trí tuệ...

Tất cả các ứng dụng, trò chơi này đều được tải về miễn phí, tuy nhiên sau khi tải về máy và được khởi chạy, chúng sẽ âm thầm gửi tin nhắn về đầu số 8777, 6686, 6786… với cú pháp đã định sẵn, mỗi tin nhắn này "rút ruột" tài khoản điện thoại của người sử dụng từ 10 - 15 nghìn đồng. Quá trình gửi và nhận tin nhắn đều diễn ra âm thầm mà hoàn toàn không có bất kỳ sự cảnh báo hay lưu ý nào để người sử dụng biết được.

 

Làm gì để tránh mất tiền oan?

Phân tích về các tính năng của smartphone, ông Nguyễn Minh Đức cho biết, hiện nay các dòng điện thoại này có thể sử dụng và cài đặt các ứng dụng lên đó như một chiếc máy tính. Khi cài đặt, người sử dụng cứ nghĩ đó là các ứng dụng hoặc trò chơi mang tính tích cực nhưng không hề biết trong đó có chứa các đoạn mã tự động gửi tin nhắn các đầu số có VAS.

Theo ông Đức, đối với người sử dụng bình thường, để phát hiện ra các đoạn mã độc này là rất khó, nếu không nói là không thể phát hiện được, họ chỉ biết được khi tiền trong tài khoản bị trừ đi một cách bất thường. Để tránh bị mất tiền oan khi sử dụng smartphone, ông Đức đưa ra lời khuyên đối với người sử dụng là khi cài các phần mềm hoặc trò chơi, cần kiểm tra nguồn gốc của phần mềm đó. “Ví dụ như điện thoại android có trên Google Play, còn iOS có trên App Store đều có nguồn chính thống. Ngược lại, nếu chúng ta sử dụng các phần mềm, trò chơi ở trên các diễn đàn hoặc chia sẻ, tải về từ các dịch vụ gửi tin nhắn không có nguồn gốc đều dễ bị dính các thủ thuật trên”, ông Đức cho biết.

“Mỗi phần mềm được phát hành chính thống khi cài đặt sẽ báo cho chúng ta biết, các ứng dụng này sẽ tác động như thế nào lên điện thoại của bạn. Nếu chúng tác động lên danh bạ, tin nhắn hay là các vùng dữ liệu ảnh thì chúng ta phải để ý. Ví dụ một phần mềm chỉnh sửa ảnh, chơi cờ mà lại có quyền truy cập vào danh bạ điện thoại, hoặc tin nhắn thì rất vô lý nên chúng ta không nên sử dụng hoặc là gỡ bỏ ngay”, ông Đức lưu ý. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, hiện nay người sử dụng ở Việt Nam đang rất chủ quan về vấn đề này, ít người quan tâm đến các hướng dẫn khi cài đặt phần mềm, cũng như những tác động của nó.

Ông Đức khuyến cáo thêm, ngoài nguy cơ mất tiền vì bị các đoạn mã ẩn nằm trong các ứng dụng này gửi tin nhắn đến các đầu số VAS thì người dùng còn có thể bị các đoạn mã độc, virus trong các phần mềm hoặc trò chơi đánh cắp dữ liệu, danh bạ, file ghi âm, video…

Ngoài việc cẩn trọng khi cài đặt phần mềm, thì người sử dụng cũng cần trang bị cho mình các giải pháp Mobile Security. Đó là các giải pháp giúp bảo vệ điện thoại khỏi nguy cơ bị cài mã độc vào máy cũng như các dữ liệu bị lộ và rò rỉ ra ngoài.
Theo ông Đức, ngay khi sở hữu một chiếc điện thoại, việc đầu tiên mà người sử dụng cần làm là tìm hiểu về các tính năng của điện thoại mình đang sử dụng như thế nào. Bởi hiện nay có nhiều chương trình hoặc dịch vụ luôn cố gắng kết nối Internet để tải dữ liệu lên/xuống như email, danh bạ (đồng bộ hóa với hệ thống), dịch vụ báo vị trí, tin tức, nhạc chờ… Nếu không để ý, máy sẽ sử dụng kết nối GPRS/3G có sẵn để tải dữ liệu một cách đều đặn khiến cho số tiền mà bạn phải mất cho các dịch vụ này cũng không hề nhỏ.
 

Theo Phùng Bình

Gia đình

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *