Góc nhìn 25/11/2019 09:20

Lùm xùm giá nước Nhà máy sông Đuống: Điểm cốt yếu ở mức "giá trần"

Người tiêu dùng không quan tâm và cũng không cần quan tâm cơ cấu giá vốn gồm cái gì và mỗi thứ bao nhiêu: lãi vay, khấu hao, quản lý v.v. Nhưng nhà nước lại cần quan tâm dựa trên đánh giá tình hình hoạt động của các công ty trong cùng lĩnh vực để căn cứ đó đưa ra mức giá trần trong đấu thầu.

Doanh nhân Lý Xuân Hải

Chủ tịch Bao Loc Silk Group - BSG; Trưởng Ban Chiến lược của HAGL

1. Doanh nghiệp kinh doanh vay vốn là bình thường (Chỉ biết kinh doanh bằng tiền của mình mà không biết vay, không biết dùng vốn người khác một cách hiệu quả có khi còn là kém bởi lãi vay về nguyên tắc luôn thấp hơn lợi nhuận kỳ vọng đối với với vốn chủ sở hữu). Vay vốn thì chi phí lãi tính vào giá vốn là việc của doanh nghiệp để tính toán hiệu quả và vì vậy cũng là bình thường.

Tôi không hiểu lý do gì có yêu cầu trừ lãi vay khỏi giá mua? Đó là chuyện của nhà sản xuất cơ cấu vốn chủ sở hữu và vốn vay làm sao để đạt được hiệu quả đầu tư tối ưu. Giá vốn là của nhà sản xuất, giá mua là thoả thuận của 2 bên, hai loại giá này khác nhau.

Hiển nhiên về nguyên tắc giá mua bán phải cao hơn giá vốn thì nhà đầu tư mới làm, trừ khi nhà sản xuất cần dữ liệu khách hành sẵn sàng bán dưới giá hoặc hành vi bán phá giá. Phản ứng với việc giá mua bán nước bù đắp được lãi vay là không hợp lý và vô nghĩa.


2. Giá nước trần công bố trước khi đấu thầu và thống nhất giá mua bán trước khi ký hợp đồng cũng như triển khai dự án cũng là bình thường. Nước không phải là mặt hàng tiêu dùng như TV, cái áo, chai dầu... sản xuất ra người này không mua thì người khác mua và công ty này không bán thì mua của công ty khác.

Người mua nước là độc quyền: chính quyền. Người bán nước cho dân cũng độc quyền: người dân cũng chỉ có thể mua từ chính quyền. Do vậy không chốt trước các điều kiện mua bán hàng hoá đặc biệt này đã triển khai dự án hàng ngàn tỷ thì hoạ có là không bình thường. Giá mua điện hiện nay cũng tương tự và điều ấy là hợp lý.


3. Người tiêu dùng chỉ quan tâm:
a. Nước đạt tiêu chuẩn chất lượng không?
b. Giá cuối cùng là bao nhiêu? Có thấp nhất trong các mức giá có thể không?
c. Các quá trình đấu thầu chọn người bán có minh bạch, chuẩn mực để có giá và kiểm soát chất lượng tốt nhất không.


Người tiêu dùng không quan tâm và cũng không cần quan tâm cơ cấu giá vốn gồm cái gì và mỗi thứ bao nhiêu: lãi vay, khấu hao, quản lý v.v. Nhưng nhà nước lại cần quan tâm dựa trên đánh giá tình hình hoạt động của các công ty trong cùng lĩnh vực để căn cứ đó đưa ra mức giá trần trong đấu thầu. Nên nhớ là giá trần chứ không phải giá mua. Giá mua luôn thấp hơn hay bằng giá trần.


4. Các quá trình lựa chọn nhà thầu trước hết là nhằm mục đích tối thượng: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nếu nhà đầu tư tính toán không kỹ, đàm phán kém bị thua lỗ thì phải chịu, đừng kêu khóc bắt chính quyền và người dân nâng giá mua.

Quản lý kém, lãi vay cao, chất lượng tồi... thì ráng mà chịu phạt, chịu phá sản. Đầu tư doanh nghiệp 100 đồng bán rẻ lấy 30-50 đồng trả nợ rồi ra đường làm lại từ đầu. Người mua về giá rẻ, định giá lại giảm khấu hao, quản lý tốt... lại có lãi. Những câu chuyện này vẫn xảy ra hàng ngày, và không chỉ ở Việt Nam. Kinh doanh khắc nghiệt và đầy rủi ro như vậy nhưng các doanh nhân phần lớn vẫn chấp nhận đấy thôi.

5. Xã hội cũng cần đặt mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và doanh nghiệp đàng hoàng là mục tiêu sống còn. Nếu thấy bất hợp lý trong mua bán thì chỉ đúng chỗ, nhà nước muốn giảm giá bán cho dân thì bù giảm giá bán. Chứ đừng lấy mục tiêu giảm giá bán biện minh cho phương tiện để đòi hỏi, đưa ra những yêu cầu bất hợp lý đối với doanh nghiệp... làm mất một giá trị tuy vô hình nhưng rất lớn: niềm tin và chí dấn thân của nhà đầu tư tử tế. Làm vậy không khác gì bỏ thuốc độc xuống giếng chung. Doanh nghiệp tư nhân là động lực tăng trưởng ổn định duy nhất của kinh tế Việt Nam sắp tới.


6. Vấn đề, nếu có, nằm ở quá trình ra quyết định: Lựa chọn và căn cứ xác định giá trần mua bán những mặt hàng như điện, nước; Đấu thầu chọn nhà cung cấp: các yêu cầu, điều khoản, giám sát, thưởng, phạt; Vai trò và hiệu quả của cơ quan giám sát. 


Nên công khai minh bạch quá trình đấu thầu ví dụ bằng các tiêu chí: 
a. Chất lượng nước 
b. Khối lượng mua 
c. Giá trần 
d. Nguồn nước 
e. Năng lực chủ đầu tư về vốn (vay và chủ sở hữu) cũng như năng lực triển khai dự án.
f. Các điều kiện môi trường và các điều kiện khác v.v 


Các doanh nghiệp đấu thầu nộp 10-20-30% hay hơn giá trị hợp đồng theo giá trần để nếu không thực hiện đúng hợp đồng thì phạt và giao nhà thầu khác.


Theo tôi sự minh bạch, công khai các nội dung trên là yếu tố quyết định để bảo vệ quyền lợi cả của người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đàng hoàng và tránh được tham nhũng.

Trong vụ nước sông Đuống với những thông tin qua báo chí và mạng xã hội tôi không biết hết cụ thể để phán xét. Nhưng những vấn đề, nếu cần mổ xẻ, hoàn toàn không nằm ở việc tính lãi vay vào giá vốn; hay giá mua bán bù được giá vốn gồm lãi vay; hay chốt trước giá mua.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *