Góc nhìn 16/07/2019 07:13

Lãi suất và chứng khoán

Đêm ngày 11/7/2019, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã lập kỷ lục mọi thời đại khi vượt mốc 27.000 điểm. Bất chấp những lo ngại về Trade War, về Iran, chứng khoán Mỹ vẫn thăng hoa. Vậy đâu là nguyên nhân chủ chốt ở đây?

Nguyễn Hồng Điệp

Chuyên gia chứng khoán

Quay ngược lại dòng lịch sử để nhìn nhận sự tương quan giữa Lãi suất và Chứng khoán. Từ tháng 7/2007 đến tháng 12/2008, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED đã cắt giảm lãi suất từ mức 5.25% về mức 0%-0.25%.

Trải qua gần 11 năm qua, FED chưa một lần giảm lãi suất. Tuy nhiên, có rất nhiều tín hiệu cho thấy rằng, FED có thể sẽ giảm lãi suất ngay trong tháng 7/2019. Dự báo trong năm 2019, sẽ còn có thêm 1 đợt giảm lãi suất nữa vào tháng 11.

Chỉ cần có những tín hiệu, thị trường sẽ phản ứng ngay. Chính trong giai đoạn Mỹ duy trì lãi suất ở mức gần bằng 0, chỉ số DJ đã có sự tăng tốc thần kỳ. Xuống đáy vào tháng 2/2009 khi chỉ còn 7.300 điểm, đến nay DJ đã đạt mốc 27.000 điểm. Hãy nhớ rằng thế giới loạn lạc, xảy ra biết bao nhiêu biến cố trong 10 năm qua.

Thế nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là Mỹ luôn duy trì chính sách lãi suất thấp, đã làm TTCK luôn giữ được ngọn lửa bừng cháy.

Có lẽ dân tài chính không lạ gì với thuật ngữ ZIRP - zero interest rate policy - để mô tả chính sách lãi suất cận 0 của FED trong suốt 7-8 năm qua. Chính công cụ ZIRP đã thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, tạo ra rất nhiều việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp giảm kỷ lục, lạm phát cũng tăng lên mức kỳ vọng.

Có một thực tế không thể chối cãi, lãi suất giảm đồng nghĩa với tiền được bơm cho nhiều doanh nghiệp. Nhưng thay vì dùng tiền để phát triển sản xuất kinh doanh, 49% các doanh nghiệp lại "buy back" (mua lại) cổ phiếu của chính mình. Vô hình trung, dù chỉ là gián tiếp, nhưng TTCK được hưởng lợi mạnh mẽ từ dòng tiền mới.

Còn ở Việt Nam thì sao? Nhiều người vẫn còn nhớ năm 2011 khi lãi suất lên mức "khủng khiếp" 22%-25%. Tôi cũng như nhiều người lúc này, chuyển sang làm "cò ngân hàng".

Để kiềm chế lạm phát (khoảng 18%), NHNN đã áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ. Đây là sai lầm "ngu ngốc". Chính điều này càng làm thanh khoản tiền đồng thiếu hụt trầm trọng. Có một câu nói của dân chứng khoán: "Kẻ thù số một của chứng khoán là lãi suất cao". Đương nhiên, khi lãi suất lên 25% / năm, chứng khoán VIệt Nam lao dốc cũng là điều dễ hiểu.

Đến ngày hôm nay, mọi thứ đã khác. Một khi FED sẽ mở ra kỷ nguyên mới, không loại trừ lại áp dụng ZIRP, chứng khoán Mỹ và thế giới sẽ bước vào thời kỳ thăng hoa.

Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài qui luật chung. Chứng khoán Việt Nam vẫn đang quanh quẩn 980 điểm, một mốc "lèo tèo". Chỉ cần có một cú hích, dòng tiền mới sẽ ào vào, nâng chứng khoán lên tầm cao mới. Đỉnh 1200 sẽ bị phá trong 1-2 năm nữa, thậm chí có thể nhanh hơn.

Tất cả đã đủ, chỉ chờ gió đông !

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *