Góc nhìn 19/11/2018 13:58

Giải pháp nào cho vấn đề nhà ở tại Việt Nam?

Nếu vẫn sử dụng phương thức tạo lập nhà ở cho người có thu nhập thấp theo phương pháp cũ thì sẽ khó đạt được các mục tiêu ổn định xã hội và nâng cao đời sống của người lao động.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Một bộ phần người lao động gặp khó về nhà ở

Trên thực tế, điều kiện về nhà ở của một bộ phận người lao động ở cả khu vực đô thị và nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay đang có hàng triệu công nhân lao động tại các khu công nghiệp cũng như sinh viên các trường đại học chưa có chỗ ở ổn định, phải thuê chỗ ở trong các khu nhà trợ chật chội, thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, môi trường sống không bảo đảm. Các đối tượng thuộc diện tích có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người nghèo... cũng còn nhiều khó khăn về nhà ở.

Số liệu cũng cho thấy, mới có khoảng 30% cán bộ, công chức, viên chức; 20% công nhận, lao động… có chỗ ở ổn định, còn lại chưa có chỗ ở hoặc ở trong điều kiện chật hẹp, tạm bợ.

Với mục tiêu đáp ứng đến năm 2020 là 12,5 triệu m2 nhà cho người thu nhập thấp, 10 triệu m2 nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và 7 triệu m2 nhà ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng cho thuê thì nhu cầu nhà ở như trên là rất lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của nền kinh tế.

Từ năm 2009 tới nay, mặc dù các cấp, các ngành và bản thân các đối tượng trong diện tích nhà ở xã hội đã có nhiều cố gắng, từ chính sách thuê mua nhà trả chậm, đến việc áp dụng các gói hỗ trợ cho người lao động mua nhà xã hội, hay các tổ chức tín dụng dành các khoản tín dụng rất lớn để hỗ trợ trực tiếp cho người có nhu cầu mua nhà nhưng kết quả chưa được như mong muốn cho nhiều nguyên nhân khác nhau.

Số liệu thống kê cho biết, trong 3 năm, với sự hỗ trợ của Nhà nước, cả nước mới triển khai được 84 dự án nhà ở xã hội với 52.000 căn hộ, tổng mức đầu tư gần 24.000 tỷ đồng và 39 dự án nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp với 27.000 căn hộ, tổng mức đầu tư trên 6.800 tỷ đồng.

Như vậy, nếu vẫn sử dụng phương thức tạo lập nhà ở cho người có thu nhập thấp theo phương pháp cũ thì sẽ khó đạt được các mục tiêu ổn định xã hội và nâng cao đời sống của người lao động.

Mỗi hộ gia đình phải sở hữu một căn hộ là không khả thi

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta thường nói ưu thế cạnh tranh quốc gia là có một đội ngũ lao động trẻ, tiền công lao động thấp thì việc tiếp tục thực hiện chính sách mua bán nhà ở và thực hiện theo quan điểm mỗi người lao động phải mua được một căn hộ là điều khó khả thi.

Kinh nghiệm từ các nước Bắc Âu, các nước áp dụng nền kinh tế thị trường xã hội hoặc ngay cả các nước G7 cho thấy vấn đề đặt ra mỗi hộ gia đình phải sở hữu một căn hộ cũng là không khả thi.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và các văn bản pháp luật ban hành như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản cũng không quy định Nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho công dân sở hữu nhà ở mà chỉ khẳng định Nhà nước tạo điều kiện cho công dân có chỗ ở ổn định.

Như vậy, cần phải có nhận thức mới về vấn đề này theo hướng Nhà nước và các nhà đầu tư trong lĩnh vực nhà ở, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm xây dựng một hệ thống nhà ở cho người lao động thuê trong thời gian làm việc tại các khu công nghiệp và hình thành hệ thống nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, bao gồm chính quyền trung ương và địa phương, để người dân thuê lại với giá hợp lý. Việc sở hữu nhà ở chỉ đặt ra với những người có thu nhập trung bình khá trở lên.

Vấn đề lớn hơn đặt ra trong chính sách nhà ở xã hội là phải đảm bảo cho người lao động có thu nhập đủ để tái tạo sức lao động và đủ tiền trang trải việc thuê nhà khi còn lao động; cũng như chế độ lương hưu đủ trả thuê nhà ở xã hội. Nếu thực hiện theo phương án thì quá trình Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và tiến hành xây dựng các khu nhà ở xã hội sẽ ít gặp khó khăn trong việc đền bù và tái định cư cho những người bị thu hồi đất; không tạo ra mâu thuẫn giữa những cư dân địa phương bị thu hồi đất với những người đến ở trong các khu nhà xã hội được xây dựng trên mảnh đất đó.

Nếu thực hiện phương án này còn thể hiện rõ Nhà nước vẫn giữ được quỹ đất và tài sản hình thành trên đất là tài sản công. Việc định giá cho thuê, Nhà nước sẽ căn cứ vào thu nhập thực tế của từng giai đoạn của người lao động, có chính sách bù lỗ thông qua việc bảo trì căn hộ, duy trì các diện tích công cộng sử dụng chung như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí cho trẻ em... tránh được tình trạng lợi nhuận có được từ chênh lệch địa tô rơi vào túi một số đối tượng, gây bất bình trong xã hội và làm phân hóa sâu sắc hơn khoảng cách giàu nghèo.

Giải pháp về nhà ở tại Việt Nam

Trước hết là làm rõ nhận thức của người dân và xã hội về việc mỗi công dân có quyền có chỗ ở chứ không nhất định là quyền sở hữu nhà ở.

Bên cạnh đó là cải cách chế độ tiền lương theo hướng tính đúng, tính đủ mọi chi phí của đời sống vào trong giá thành lương để đảm bảo người lao động khi thực hiện chế độ nghỉ hưu vẫn đủ tiền trang trải phần nhà thuê của nhà nước, đảm bảo ổn định cuộc sống khi về già.

Ngoài ra, xác định lại nhiệm vụ của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong việc lo nhà ở cho công dân trên địa bàn theo hướng huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ vốn đầu tư ngoài xã hội để đảm bảo chính sách nhà ở.

Trong đó, đối với doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội phải đảm bảo lợi nhuận thu được từ cho thuê nhà ở đủ trang trải cho việc bảo trì, hoàn vốn và có một phần lãi nhất định đối với khoản vốn trước đó đã bỏ ra. Còn nguồn vốn ngân sách từ trung ương đến địa phương bỏ ra để giải phóng mặt bằng xây dựng nhà ở và quản lý nhà ở sau khi cho thuê là nguồn ngân sách cố định đảm bảo nguyên tắc, không làm giảm tài sản khi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *