Góc nhìn 25/05/2018 12:01

Giá khác phí thế nào?

Năm 2014, Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính bắt đầu soạn thảo Luật Phí và Lệ phí. Một nguyên tắc của Luật này là chỉ được phép thu phí nếu phí đó có trong danh mục phụ lục của Luật.

Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI

Đương nhiên, cơ quan soạn thảo phải rà soát danh mục phí và lệ phí. Dự thảo đầu tiên đưa ra, số loại phí khá nhiều.

Cùng với chủ trương xã hội hóa dịch vụ công, và cũng là để giảm danh mục các loại phí, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ý kiến bỏ những dịch vụ công đã xã hội hóa ra khỏi danh mục, chuyển nó sang cơ chế giá.

Bộ Tài chính đưa ra danh mục các loại phí chuyển sang cơ chế giá, trong đó có nhiều loại đáng chú ý như: Phí chợ chuyển thành giá cho thuê mặt bằng ở chợ; Phí qua phà, qua đò trở thành giá dịch vụ vận tải bằng phà, đò; Phí kiểm định phương tiện vận tải thành giá dịch vụ đăng kiểm; Phí trông xe thành giá dịch vụ trông giữ xe; Phí sử dụng đường bộ... cái gây tranh cãi mấy ngày qua;...

Việc chuyển này sẽ có một số khác biệt pháp lý trọng yếu như: Nó đúng bản chất của kinh tế thị trường. 

Cụ thể, nếu dịch vụ do tư nhân cung cấp, không rơi vào những trường hợp đặc biệt (theo Nghị định 149) thì rõ ràng tư nhân phải có quyền quyết định mức thu, chứ không phải là Nhà nước.

Ví dụ như nhiều chợ hiện nay do tư nhân xây, nếu phải thu phí theo mức Nhà nước quyết thì rất vô lý. Trong khi về bản chất thì nó không khác gì cho thuê mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại.

Hay như dịch vụ trông giữ xe. Hiện nay, chỗ nào là đất công thì trông giữ xe theo mức phí mà UBND các nơi quyết. Nhưng nếu là đất tư, như hầm tòa nhà, thì phải để cho tư nhân họ quyết mới đúng bản chất của kinh tế thị trường.

Thứ 2, nó nẫn bảo đảm sự quản lý cần thiết, nhưng linh hoạt. Vì đối với những dịch vụ trong Nghị định 149, việc chuyển sang cơ chế giá, không có nghĩa là Nhà nước không can thiệp. Luật giá vẫn cho phép sự can thiệp bằng những biện pháp như quy định giá trần, giá sàn, khung giá, thậm chí ấn định mức giá cụ thể.

Như vậy, nó khác với phí là Nhà nước chỉ có mỗi một biện pháp là ấn định mức phí thì giá cho phép biện pháp quản lý linh hoạt hơn. 

Đương nhiên, với nhiều loại dịch vụ mang tính độc quyền, Nhà nước quy định giá tối đa, chẳng có doanh nghiệp nào thu thấp hơn mức tối đa. Nhưng với những dịch vụ có tính cạnh tranh, như đăng kiểm thì sẽ có nơi sẵn sàng giảm giá hoặc khuyến mãi để hút khách.

Điều này không thể có ở cơ chế phí vì phí là khoản phí là thu vào ngân sách, giảm phí là đang vi phạm pháp luật.

Và thứ 3 là đòi nợ sẽ khác. Do với cơ chế phí, nếu trốn phí là trốn nộp ngân sách, bị xử phạt hành chính, và bị truy thu, cưỡng chế, theo Nghị định 1009/2013 và 49/2016. Đối với giá, nếu trốn nộp thì là giao dịch dân sự. Bên thu chỉ có thể đòi nợ hoặc khởi kiện ra tòa.

Tuy nhiên, có một điểm là DN có thể giảm giá dễ dàng hơn. Nếu như trước đây, DN đồng ý giảm giá cho người dân địa phương, họ vẫn phải chờ Bộ Tài chính sửa Thông tư, mất ít nhất 60 ngày. Bây giờ thì họ có thể giảm ngay lập tức.

Tóm lại, việc đổi từ phí sang giá đã được Quốc hội bàn và quyết từ 3 năm trước, và đã đi vào thực thi được hơn 1 năm. Trong suốt thời gian qua có ai thấy sự khác biệt gì đâu.

Mọi chuyện chỉ ầm lên khi có mấy vị máy móc dán chữ "Trạm thu giá" lên thôi. Còn nếu họ vẫn giữ chữ "Trạm thu phí" nhưng thực chất đã đổi sang cơ chế giá thì cũng không ai ý kiến gì.

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *