Góc nhìn 13/10/2020 10:06

Doanh nghiệp và doanh nhân

Mới chỉ qua 16 năm kể từ ngày giới doanh nhân được đánh giá đúng mực bằng một ngày kỉ niệm và tôn vinh. Ngày 13/10 được chọn cũng chỉ là kế thừa sự khẳng định vai trò của giới công thương ngay từ năm 1945.

Ông Ngô Văn Tuyển, Chuyên gia kinh tế

Năm 1990 khi ban hành Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân mới chính thức có thuật ngữ “doanh nghiệp” với ý nghĩa là đơn vị kinh doanh. 

Trước đó, năm 1988 Nghị định về ban hành Điều lệ Xí nghiệp công nghiệp quốc doanh thì đơn vị kinh tế vẫn gọi là “xí nghiệp” chứ chưa hề có thuật ngữ “doanh nghiệp”. Cái nghề (nghiệp) kinh doanh thì gọi là doanh nghiệp, chắc người đặt ra có ý như vậy. 

Gọi doanh nghiệp thì tương ứng có doanh nhân là ý muốn ghép người (nhân) với kinh doanh. Từ ngày 13/10/2004 ta chính thức có ngày doanh nhân. Khi dịch sang tiếng Trung Quốc ta lại gọi ngày doanh nhân là “ngày xí nghiệp gia”. 

Đầu thế kỉ 20 ta đã có những nhà kinh doanh tiếng tăm, như cụ vua tàu thuỷ Bạch Thái Bưởi, cụ tổ nghề sơn Nguyễn Sơn Hà, cụ vải sợi Trịnh Văn Bô, cụ xà bông Trương Văn Bền. Các cụ trước là thương nhân. 

Sau một hồi nhọc nhằn, cách gọi thương nhân lại thành doanh nhân. 

Giờ các thành phần kinh tế có đủ loại hình doanh nghiệp. Doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp vốn ngoài nhà nước, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trừ doanh nghiệp tư nhân do chính chủ tư nhân điều hành, còn các doanh nghiệp khác thì những người điều hành đều là những người làm thuê. Liệu những người điều hành này có phải là doanh nhân hay những người bỏ vốn ra thuê họ mới là doanh nhân. 

Trong nhiều trường hợp với vai trò của họ đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp thì sẽ phải là cả hai. 

Người bỏ vốn ra kinh doanh may mắn khi doanh nghiệp có lãi và nhận được cổ tức, rủi thì mất hết vốn liếng tiền bạc. Người tích tụ được vốn lớn trở thành số những người giàu nhất thì có khi bị xã hội nhìn nhận là một tỉ lệ nhỏ số người “nắm giữ một tỉ lệ lớn tư liệu sản xuất”. Bên cạnh đó cũng có hàng loạt nhà đầu tư mất vốn, phá sản. May mắn thay khi xã hội nhìn nhận đúng đắn vai trò của doanh nghiệp và động lực của hoạt động kinh doanh. Hàng triệu người đang gửi tiền vào ngân hàng hay hàng triệu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng là đang tham gia vào hoạt động kinh doanh. 

Trong bối cảnh hiện nay các doanh nhân là những người điều hành doanh nghiệp họ có thể không bỏ một chút vốn nào vào doanh nghiệp nhưng vai trò của họ thật không nhỏ. Hàng loạt những doanh nghiệp như các con tàu lớn nhỏ trên đại dương có vững vàng trong các cơn sóng biển hay không, có đi đến đích hay không đều phụ thuộc vào vai trò cầm lái của những người thuyền trưởng. Số phận của họ gắn với con tàu. Tuy nhiên, trong số họ sự thành công và cả sinh mệnh của những người điều hành doanh nghiệp nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào chính sách vĩ mô và môi trường pháp luật. Đối với doanh nghiệp tư nhân chỉ số của một môi trường kinh doanh minh bạch và liêm chính biểu hiện ở việc họ có thể yên tâm làm ăn và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật hay không. 

Sau 30 năm thừa nhận hoạt động kinh doanh của mọi thành phần kinh tế bằng các văn bản pháp luật có tính lịch sử, nền kinh tế đã có những bước phát triển ngoạn mục. Tuy nhiên, mới chỉ qua 16 năm kể từ ngày giới doanh nhân được đánh giá đúng mực bằng một ngày kỉ niệm và tôn vinh. Ngày 13/10 được chọn cũng chỉ là kế thừa sự khẳng định vai trò của giới công thương ngay từ năm 1945. Trong bối cảnh hiện nay những người dấn thân trên thương trường liệu có tiếp nối được tinh thần các thế hệ thương nhân của ta đã có từ một thế kỉ trước hay không. Câu trả lời đang ở phía trước khi bây giờ ta lại đang đi ra biển lớn.

 

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *