Góc nhìn 30/07/2019 10:45

Doanh nghiệp Nhà nước cũng… kêu khổ!

Nghị quyết 12-NQ/TW được Hội nghị Trung ương 5 của Đảng đưa ra mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nói rõ phải có thay đổi cơ bản về cơ chế tài chính để doanh nghiệp Nhà nước cạnh tranh bình đẳng trong cùng mặt bằng pháp luật như các thành phần kinh tế khác.

Nhà báo Bích Diệp

Thế nhưng, theo nhận xét của ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương đưa ra tại Hội nghị sơ kết đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương diễn ra ngày 26/7, qua theo dõi 3 năm gần đây thì “cơ bản quản trị của DNNN chưa có gì thay đổi”.

“Hướng dẫn sửa chỗ nào thì mới sửa mỗi chỗ đó. Nhưng sửa mãi mà không có thay đổi toàn diện quản trị đi thì lại nay bục chỗ này, mai bục chỗ khác, cứ chắp vá mãi sao?”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá.

Trong khi đó, thực tế được báo chí phản ánh cho thấy, “doanh nghiệp tư nhân mơ ước được có cơ chế như DNNN (về các lợi thế thị trường, đất đai...), nhưng hỏi DNNN, họ lại bảo chúng tôi mơ ước được thoải mái như doanh nghiệp tư nhân”.

Bức tranh quản trị DNNN không hề đơn giản nhưng đã được khái quát khá rõ trong những phát biểu nói trên.

Đứng trên góc độ của người dân, chúng ta sẽ không khỏi không thắc mắc bởi lý do gì mà nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước một thời từng được kỳ vọng là “nắm đấm” của nền kinh tế; nhiều DNNN được hưởng những lợi thế không hề nhỏ về đất đai, nguồn lực, song kinh doanh lại không cạnh tranh được với tư nhân, thậm chí bết bát và tạo gánh nặng cho ngân sách?

Không khó để “điểm mặt chỉ tên” những thất bại, những nỗi thất vọng mà các DNNN đã để lại: những Vinashin, Vinalines, 12 dự án vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng thua lỗ, kém hiệu quả… Hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo DNNN đã vướng vòng lao lý và phải trả giá đắt vì “cố ý làm trái”, “gây hậu quả nghiêm trọng”.

Và thành ra, DNNN khó tránh khỏi bị “định kiến” và bị hoài nghi về năng lực hoạt động thực sự cũng như vai trò đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, đầu tháng 6 vừa rồi, một bài viết về “tâm sự cay đắng của một sếp lớn DNNN” trên tờ Vietnamnet có lẽ sẽ khiến chúng ta phải suy ngẫm. Lãnh đạo một DNNN có số nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho biết, sau khi giữ lại các khoản phúc lợi, chi lương thưởng, trích quỹ đầu tư phát triển… thì lợi nhuận làm ra được nộp lại NSNN. Nhưng khi cần những hoạt động đầu tư lớn thì lại phải đi vay với lãi suất cao.

Quyền tự chủ của lãnh đạo DNNN bị hạn chế, họ không thể tự quyết được giải thể nhà máy này, bỏ đơn vị kia đi vì không hiệu quả để lập nên một nhà máy khác. Họ “khao khát” được “thoải mái” như doanh nghiệp tư nhân là ở lẽ đó.

Nhiều DNNN ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh thuần tuý còn phải “gánh” thêm nhiệm vụ chính sách, được coi là “công cụ điều hành của Nhà nước”, nhưng vấn đề là nếu lãi sẽ bị cho là vì được hưởng quá nhiều ưu đãi, lỗ thì bị cho là “ăn tàn phá hại”.

Người viết cho rằng, chỉ khi không làm gì thì mới không phát sinh vướng mắc. Vấn đề là thấy được những vướng mắc và cả những “nút thắt” thì cần tháo gỡ đúng chỗ. Về cơ chế, để DNNN và doanh nghiệp tư nhân không còn phải “mơ về nhau” thì trước hết phải tạo được môi trường bình đẳng, cơ chế bình đẳng và minh bạch như nhau, không có “ưu ái” và cũng không có “lợi thế”. Theo đó, phạm vi DNNN cũng phải được thu hẹp với chức năng kinh tế - chính trị rõ ràng.

Trong môi trường vậy, một khi các lãnh đạo thấy “đồng tiền gắn liền khúc ruột” chứ không phải là nơi để “chia chác”, “kiếm lợi”, ắt rằng, doanh nghiệp sẽ có động lực phát triển. Và lúc đó, kể cả khi DNNN có bị thất bại, đó cũng là lẽ thường tình chứ không còn là “hiện tượng”.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *