Góc nhìn 09/04/2019 16:04

Điều gì làm bệ đỡ cho lòng tin, cho tài sản của doanh nghiệp Việt?

Doanh nghiệp nước ngoài có cả một nền tảng tư tưởng, hệ triết lý, pháp lý làm bệ đỡ, trong đó bao gồm triết lý chính trị, thể chế nhà nước, hệ thống luật pháp, và niềm tin xác tín nơi dân chúng. Còn doanh nghiệp Việt Nam?

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Các doanh nghiệp nước ngoài được bảo vệ hữu hiệu bởi một bộ máy nhà nước tản quyền có tính chất cân bằng kiểm soát; doanh nghiệp nước ngoài họ không phải chịu áp lực trước một nhà nước tập quyền với quyền lực áp chế khuất phục quá cao.

Ở đây tôi sẽ chỉ ra một việc vừa giữ được sự ổn định vừa lại tạo ra dư địa cho phát triển kinh tế, kích thích lòng tin của doanh nghiệp: vai trò của nền tư pháp. Nền tư pháp có khả năng tạo ra thêm dư địa rộng lớn cho phát triển kinh tế.

Thứ nhất: Mỗi năm có không biết bao nhiêu vụ tranh chấp về tài sản giữa người dân và doanh nghiệp với nhau với tổng giá trị tài sản tranh chấp lên đến nhiều tỷ đô la. Nếu khối tài sản này được giải quyết tranh chấp mau chóng, được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu để sớm đưa vào lưu thông thì sẽ giúp tạo ra hiệu quả kinh tế rất tốt.

Nhưng lâu nay, nói riêng về lĩnh vực này, hệ thống tư pháp hoạt động nhiều bất cập yếu kém, khiến cho doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian công sức và tiền bạc để theo đuổi các vụ kiện mà kết quả phán quyết nhiều khi không đảm bảo công lý. Doanh nghiệp theo đó mất niềm tin vào cơ chế tư pháp và tài sản của họ bị đặt để vào môi trường pháp lý nhiều rủi ro.

Muốn người dân và doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh thì điều quan trọng đầu tiên là tài sản của họ phải được bảo vệ, tức là thể chế sở hữu phải vững chắc, quyền tài sản phải minh định.

Bảo vệ sở hữu ngoài, bên cạnh khuôn khổ pháp lý, các quy định về sở hữu đầy đủ, rõ ràng, thì còn cần việc thực thi hiệu quả. Có nghĩa, quyền lợi của doanh nghiệp phải được bảo vệ nhanh chóng, hiệu quả, chính xác khi bị xâm phạm. Đó chính là vai trò của tòa án trong các vụ kiện tụng dân sự.

Một khi tòa án yếu kém sẽ khiến doanh nghiệp phải cân nhắc, thận trọng, dè chừng trong các khoản đầu tư hoặc giao dịch kinh doanh. Thiếu một hệ thống tư pháp hiệu quả làm bệ đỡ, doanh nghiệp sẽ cầu cứu, trông mong vào ai trước những rủi ro kinh doanh?

Đối với các nước phát triển “công lý” là thuật ngữ cổ xưa, sâu đậm. Từ rất sớm họ đã có ý niệm rõ rằng về “công lý” và “lẽ công bằng”, những giá trị luôn luôn được đề cao, khởi xướng trong các thang bậc giá trị xã hội.

Ngày nay quyền tư pháp trong các nước phát triển là một trong ba trụ cột quốc gia sánh ngang cùng với lập pháp và hành pháp, là bệ đỡ vững chắc bảo đảm cho tài sản của doanh nghiệp và người dân.

Trong khi đó ở ta hiện nay, quyền tư pháp đang giữ một vị thế, vai trò khiêm tốn trong bộ máy nhà nước và hệ thống nhà nước, dẫn đến hạn chế trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai: Liên quan đến vấn đề giấy phép con và các điều kiện kinh doanh không cần thiết, chúng ta vẫn phải loay hoay xử lý vấn đề này.

Dù có quy định các “giấy phép con” và điều kiện kinh doanh chỉ được ban hành cấp nghị định, nhưng có thực tế là nhiều bộ, ban, ngành vẫn cài cắm điều kiện kinh doanh trong các thông tư, quy định, văn bản điều hành…

Nếu chúng ta thay đổi cách tiếp cận, để doanh nghiệp khởi kiện một bộ vì đã ban hành ra quy định trái với Luật Doanh nghiệp, trái với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, trái với chủ trương về phát triển kinh tế; và trao quyền cho Tòa án tuyên xử một điều kiện kinh doanh, hoặc thậm chí một thông tư trái Luật, thì đây sẽ là một giải pháp giúp dẹp bỏ ngăn ngừa các giấy phép con và điều kiện kinh doanh do bộ máy quan liêu ban hành.

Việc này không đáng lo về mất ổn định vì thẩm quyền giải quyết hoàn toàn trong sự kiểm soát của Tòa án. Ngược lại, kết quả xét xử sẽ tạo áp lực buộc các bộ, ban, ngành phải nâng cao năng lực, trách nhiệm và tạo ra môi trường pháp lý tốt cho phát triển kinh tế.

Ở các nước phát triển, doanh nghiệp khởi kiện một bộ là việc làm bình thường. Song ở ta chưa có được chế định này và do vậy doanh nghiệp đang bị mất đi một cơ chế tự bảo hộ cho hoạt động kinh tế.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *