Góc nhìn 31/12/2017 07:02

Điên nặng vì "đen người, xanh ta"

Điện năng, có cách gọi vui theo kiểu đánh vần là “Điên nặng” đang là một câu chuyện dài với Việt Nam. Đúng là "điên nặng" vì quá nhiều chuyện nhức đầu xảy ra liên miên

Vũ Kim Hạnh,

Chủ tịch Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao


Hôm qua, báo Thanh Niên đưa tin: Trung Quốc sắp xây nhà máy điện hạt nhân nổi ở Hoàng Sa, đảo họ chiếm của Việt Nam. Tháng trước, lò phản ứng hạt nhân di động đầu tiên của Trung Quốc đã hoàn tất khâu thử nghiệm cuối cùng, được gắn vào chiếc tàu có thiết kế đặc biệt tại xưởng ở Liêu Ninh, trong kế hoạch quân sự hóa những đảo chiếm đóng phi pháp của Việt Nam.

Những lò phản ứng hạt nhân di động này còn cấp năng lượng cho những giàn khoan Trung Quốc khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông. Tin ngắn này kích nổ trong đầu chúng ta câu hỏi dữ dội về mảnh đất máu thịt đang bị chiếm đóng!?
Lại đọc hai dòng tin đối nghịch chạy song. Hiện nay Trung Quốc đang là nước xuất khẩu điện than lớn nhất thế giới qua xây dựng và tài trợ ồ ạt các nhà máy điện than khắp các châu lục, theo đánh giá của Viện nghiên cứu Môi trường thế giới (Global Environmental Institute) là tính đến cuối năm 2016, Trung Quốc đang tiến hành 106 dự án xây dựng nhà máy điện than ở trên 25 quốc gia.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện là “người khổng lồ” về sản xuất và xuất khẩu công nghệ năng lượng tái tạo, đang cung cấp hơn 2/3 số tấm pin mặt trời và gần một nửa số turbine gió của thế giới.

Họ tạo ra hơn 2,5 triệu việc làm, với số vốn đầu tư hàng trăm tỉ đô la. Họ khá nổi tiếng với trang trại năng lượng mặt trời nổi vào loại lớn nhất hành tinh tại tỉnh An Huy có công suất 40 megawatts, cung cấp đủ điện cho 15.000 hộ dân.
Gã khổng lồ sắp vượt Mỹ làm bá chủ thế giới về Big data và Trí tuệ nhân tạo, vẫn đang hô phong hoán vũ khắp các trận địa, việc gì ta nặng lòng? Không, câu chuyện điện than và điện hạt nhân giờ cũng thực sự là chuyện Việt Nam. Nhất là điện than!

Ta biết từ 2009, để tái thúc đẩy kinh tế, Trung Quốc chọn điện than. Vì thế chẳng bao lâu, Trung Quốc là nước phát thải khí CO2 nhất thế giới, là “đế chế” về nhà máy điện than (58% tổng cầu năng lượng quốc gia).

Bây giờ, đến tận cùng của ô nhiễm, khi đã đạt vị trí nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, với dự trữ ngoại hối đến 3.200 tỉ USD, Trung Quốc phải quay đầu, quyết sống còn tập trung đầu tư thay đổi cơ cấu năng lượng. Và đó là lý do họ đã tiến hành chiến lược xuất khẩu công nghệ nhiệt điện than quyết liệt nhất. 
Đen người xanh ta, đó là cách mà Trung Quốc tiến hành khắp thế giới. 
Hiện nay có nhiều nước làm điện than, tuy nhiên Việt Nam lại chọn mua của Trung Quốc vì giá rẻ, có cả nghi vấn hoa hồng. Họ cũng mua than giá trị cao hơn của Việt Nam, bán lại than xấu hơn dùng cho nhiệt điện, ta lệ thuộc tiếp tục về xuất khẩu than, lại dính nạn ô nhiễm càng nặng hơn do nhập lại than chất lượng xấu.  
Đã có nghiên cứu của tổ chức Green ID về dòng tiền bẩn chảy vào điện than thì chủ yếu cũng từ Trung Quốc. Trước những mối nguy về ô nhiễm môi trường từ nhiệt điện than, chưa kể tình hình cạn kiệt tài nguyên vì cung cấp nguyên liệu chạy máy, Việt Nam sao còn chưa nghĩ về cách “quay đầu” của Trung Quốc. “Anh lớn” đã hành xử đúng vậy mà? 
Việt Nam được đánh giá là quốc gia nhiệt đới có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Điều cần biết là hiểu thật sâu sắc về chiến lược hai mặt “đen người xanh ta” để theo “anh lớn” mà lựa chọn cho đúng.

Chuyên mục: Góc nhìn
Vũ Kim Hạnh
Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao

Bà Hạnh từng là một trong những Tổng Biên tập nổi tiếng của báo Tuổi trẻ. Hiện nay bà về hưu và trở thành Chủ Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *