Góc nhìn 02/05/2018 08:09

Đặc khu kinh tế và niềm tin ngây thơ

Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào có lẽ là cách tiếp cận chính sách chủ đạo của Việt Nam trong suốt mấy thập kỷ qua. Tôi đang thấy những niềm tin hết sức ngây thơ vào mô hình đặc khu kinh tế.

Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chính sách công, 

Đại học Fulbright Việt Nam

Có lẽ do Việt Nam chưa có thị trường hoạt động theo các nguyên tắc cơ bản nên dẫn đến niềm tin rằng nếu có một nơi nào đó mà thị trường tự do hơn (thậm chí là cao nhất) sẽ có được sự thành công.

Tuy nhiên, những người có niềm tin này đang quên mất rằng, rất nhiều nơi trên thế giới đã hoạt động theo các nguyên tắc thị trường ở mức cao hơn Việt Nam rất nhiều và có những nơi sẵn sàng để cho thị trường thích làm gì thì làm. Tuy nhiên, rất ít nơi có được sự thành công.

Thành công của những nơi như Singapore, Dubai hay Thẩm Quyến có những đặc điểm và điều kiện quan trọng của nó mà tôi thấy rất ít được quan tâm chứ đâu đơn giản là lấy một miếng đất trống rồi mời các nhà đầu tư đến là trở nên thịnh vượng.

Thú thực, tôi chưa thấy cơ sở và những lập luận thuyết phục cho mô hình đặc khu kinh tế ở Việt Nam mà chỉ thấy đó là những mảnh đất màu mỡ kích thích tâm lý đầu cơ, muốn giàu nhanh và ngồi mát ăn bát vàng. Nếu không làm gì mà có thể giàu có thì hành tinh của chúng ta đã thành thế giới đại đồng từ lâu rồi.

Đã rất nhiều thất bại mà Việt Nam đã trải qua như: tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc; phát triển các đỉnh cao chỉ huy (sắt thép, xi măng, ô tô, đóng tàu ..) và duy ý chí đã phải trả giá rất đắt, nhưng tại sao giờ vẫn còn những niềm tin ngây thơ như vậy?

Chuyên mục: Góc nhìn
Huỳnh Thế Du
Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam

Ông Huỳnh Thế Du là giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Ông nhận bằng thạc sỹ quản lý công tại Trường Harvard Kennedy năm 2010 và bằng tiến sỹ tại Trường Kiến Trúc Harvard năm 2013.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *